[ẢNH] Phi đội "Chim cắt sát thủ" với 72 chiếc F-16 Pakistan đáng gờm cỡ nào?

ANTD.VN - Hiện không quân Pakistan đang có trong tay 72 chiếc máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ, trong số này có tới 18 chiếc F-16C/D Block 52 Plus, đây được đánh giá là loại tiêm kích cực mạnh đủ sức đối đầu với Su-30MKI.

Không quân Pakistan có 5 Bộ Tư lệnh, đó là: Bộ Tư lệnh Chiến lược, Bộ Tư lệnh Hướng Bắc, Bộ Tư lệnh Trung tâm, Bộ Tư lệnh Hướng Nam và Bộ Tư lệnh Phòng không.

Không quân nước này đang sở hữu khoảng 600 máy bay các loại, trong số đáng kể nhất vẫn là 72 chiếc tiêm kích hạng nhẹ đa năng F-16 do Mỹ sản xuất.

Trong số này có 30 phiên bản A, 24 phiên bản B, 12 phiên bản C và 6 phiên bản D.

Mạnh nhất trong số này là những F-16C/D Block 52 Plus, đây được đánh giá là loại tiêm kích cực mạnh đủ sức đối đầu với Su-30MKI. Hình ảnh tiêm kích đa năng F-16D Block 52 Plus.

Hình ảnh phi đội tiêm kích hạng nhẹ F-16 của không quân Pakistan.

Trình độ tác chiến của phi công Pakistan được đánh giá cao và không hề thua kém so với phi công của Ấn Độ.

Trong khi đó tiêm kích F-16 có khả năng cơ động xuất sắc trong phạm vi hẹp, từng đánh bại chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 trong không chiến.

Những chiếc F-16 của Pakistan cũng được trang bị loại tên lửa không đối không tầm xa AIM-120C-5 do Mỹ sản xuất.

Sự kết hợp giữa F-16C/D Block 52 Plus với những tên lửa nguy hiểm như AIM-120C-5 khiến cho phi đội này trở thành cơn ác mộng cho đối thủ.

F-16 do tập đoàn General Dynamics (nay thuộc Lockheed Martin) chế tạo và đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ từ năm 1978. Ban đầu F-16 được chế tạo với vai trò tiêm kích hạng nhẹ thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, bảo vệ không phận.

F-16 có thiết kế khí động tối ưu cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Buồng lái kiểu "bong bóng" giúp phi công quan sát tốt hơn. 

Nó là một trong những máy bay chiến đấu đầu tiên được trang bị hệ thống "fly-by-wire" (điều khiển bay bằng dây dẫn) đem lại khả năng cơ động xuất sắc trong phạm vi hẹp.

Fighting Falcon được trang bị một động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (khoảng 2.200 km/h), bán kính chiến đấu 550 km. 

Buồng lái F-16 được thiết kế theo công nghệ "nhà kính" hiện đại với 2 màn hình LCD ở hai bên, màn hình hiển thị HUD phía trước, thanh điều khiển HOTAS bố trí phía bên trái.

Cảm biến chính của máy bay là radar xung Doppler AN/APG-68. Radar này có phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không có diện tích phản hồi radar 5m2 ở cự ly 105 km, tầm trinh sát tối đa 296 km. 

Các phiên bản hiện đại hơn được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-80 đem lại hiệu suất tác chiến vượt trội.

Máy bay được vũ trang pháo M61A1 6 nòng 20 mm bố trí phía bên trái buồng lái. F-16 có 9 điểm treo vũ khí dưới cánh có thể mang tên lửa không đối không, đối đất, đối hải, bom thông thường, bom thông minh. 

Tổng tải trọng vũ khí mang theo khoảng 7,7 tấn, phiên bản F-16C/D Block 52 Plus có khả năng mang xấp xỉ 8 tấn, tức là ngang bằng với Su-30 MKI của Ấn Độ

Từ những năm 1980 trở đi, F-16 được nâng cấp thành chiến đấu cơ đa nhiệm. Sau nâng cấp, ngoài nhiệm vụ chính là chiếm ưu thế trên không, F-16 có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, đối hải, áp chế phòng không và trinh sát mạnh mẽ. 

F-16 E/F block 52 là phiên bản hiện đại chiếm số lượng đông đảo của gia đình F-16. 

Phiên bản này được bổ sung thêm thùng nhiên liệu đa giác cho phép mở rộng phạm vi hoạt động, trang bị radar AESA, động cơ mới cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. 

F-16 xung trận lần đầu trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Máy bay đã chứng minh hiệu suất chiến đấu ưu việt trong các nhiệm vụ thực thi vùng cấm bay, áp chế phòng không Iraq và Libya. Không quân Mỹ dự định duy trì hoạt động F-16 đến năm 2025.

Fighting Falcon được xuất khẩu cho 25 quốc gia đưa nó trở thành chiến đấu cơ bán chạy nhất thế giới. Lockheed Martin vẫn tiếp tục sản xuất F-16 cho các khách hàng nước ngoài. 

Hiện Pakistan tiếp tục đặt mua phiên bản F-16C/D Block 52 Plus để bổ sung vào kho vũ khí của không quân mình.

Một khi xung đột nổ ra, những chiếc F-16C/D Block 52 Plus sẽ đối đầu với Su-30MKI và MiG-29 của Ấn Độ.

Rất khó để nói rằng loại máy bay nào sẽ chiến thắng, trong khi F-16C/D Block 52 Plus mạnh về thiết bị điển tử, độ bộc lộ radar thấp và khả năng không chiến ngoài tầm thì những chiếc Su-30MKI của Ấn Độ lại mạnh về khả năng cơ động cũng như ưu thế chiến thắng khi quần vòng không chiến.