[ẢNH] Pháo đài bay B-52 Mỹ diễn tập 'voi đi bộ' ở đảo Guam

ANTD.VN - Năm máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng nhiều máy bay khác của quân đội Mỹ vừa có cuộc diễn tập “voi đi bộ” tại đảo Guam. Động thái này được cho là phô diễn sức mạnh nhằm gửi thông điệp tới các đối thủ.

Nhiều máy bay quân sự của Mỹ đã tham gia cuộc diễn tập “voi đi bộ” tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam ngày 13-4 nhằm phô diễn sức mạnh và tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng.

Tham gia diễn tập có 5 máy bay ném bom B-52, 6 máy bay tiếp dầu trên không KC-135, 1 trực thăng đa nhiệm MH-60S, 1 máy bay không người lái RQ-4 và 1 máy bay không người lái MQ-4C.

Chiếc MQ-4C nói trên là một trong 2 máy bay trinh sát không người lái được hải quân Mỹ triển khai đến đảo Guam để hỗ trợ hạm đội 7 tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương 24/7.


Trong cuộc diễn tập, các máy bay chạy trên đường băng trong đội hình cự ly gần để kiểm tra năng lực cất cánh hàng loạt an toàn. 

Tùy vào mục đích cuộc diễn tập mà các máy bay có thể cất cánh hoặc quay về nhà chứa máy bay.

Màn phô diễn sức mạnh này diễn ra giữa lúc hải quân Mỹ đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khi hàng trăm thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bị nhiễm bệnh, khiến tàu này phải tạm thời cách ly ở đảo Guam. Ít nhất 3 tàu sân bay khác của Mỹ gồm USS Ronald Reagan, USS Carl Vinson và USS Nimitz cũng được cho là có thủy thủ bị nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 13-4 dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Trung Quốc cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận. Giới quan sát cho rằng, động thái của Mỹ cũng nhằm ẩn ý gửi thông điệp rắn tới Bắc Kinh.

Hiện Bắc Kinh đang gia tăng các hoạt động quân sự tại các vùng biển quốc tế trong đó có biển Đông giữa lúc Mỹ đang phải căng mình chống đại dịch Covid-19. Washington luôn tuyên bố bằng mọi giá sẽ duy trì trật tự hàng hải trên các vùng biển quốc tế trong đó có Biển Đông.

Hiện các phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ vẫn tổ chức các cuộc tuần tra trên các vùng biển quốc tế trong đó có biển Đông để duy trì trật tự ổn định.

Ra đời từ thập niên 1950, từng có thời tung hoành trên bầu trời Việt Nam, tuy nhiên với những nâng cấp liên tục và thay đổi chiến thuật, B-52 vẫn là dòng máy bay ném bom cực nguy hiểm của Mỹ.

Thậm chí xét về hiệu năng và tính kinh tế, lão tướng B-52 còn trên cơ cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer.

Trong chiến tranh Việt Nam, B-52 thường phải đối chọi với hệ thống phòng không mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả. Là một máy bay ném bom to lớn, tốc độ bay chậm nó dễ dàng trở thành mồi ngon của các hệ thống lửa đánh chặn này.

Ngoài ra các loại máy bay bảo vệ B-52 cũng chưa thực sự xuất sắc khi để đối phương len lỏi được vào đội hình, tiến đến gần B-52 để bắn phá.

Ngày nay, việc xuất hiện các máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa hành trình, cục diện tác chiến của không quân Mỹ đã đổi khác.

Mở đầu trận đánh là màn tấn công phủ đầu bằng các loại tên lửa hành trình Tomahawk vào các căn cứ phòng không của đối phương. Tiếp đến là các máy bay tiêm kích tàng hình tràn tới tiêu diệt nốt các đài chỉ huy radar.

Lúc này pháo đài bay B-52 mới xuất hiện để dội bão lửa lên đầu đối phương.

B-52 có thể ném bom rải thảm với tổng khối lượng bom lên tới 30 tấn, số bom này tạo ra những khu hủy diệt lớn.

Một mặt các sân bay sẽ bị tên lửa hành trình tấn công khiến tiêm kích đối phương không thể cất cánh, mặt khác đội ngũ hộ tống B-52 là những chiếc tiêm kích cực mạnh, bao gồm cả tiêm kích tàng hình để có thể khống chế đối phương một cách hữu hiệu để cho B-52 tác chiến.

Ngoài khối lượng bom khủng khiếp, B-52 còn được cải tiến nâng cấp để mang những tên lửa hành trình tầm xa tấn công ngoài tầm với của phòng không đối phương. 

Bởi thế nên cho dù ra đời đã lâu, nhưng nhờ những thay đổi trong chiến lược tác chiến và nâng cấp từ chính những chiếc pháo đài bay này, khiến cho chúng vẫn là những vũ khí hiệu quả mà quân đội Mỹ ưa dùng.