[ẢNH] Nước mắt Theresa May: Hành trình sóng gió của Thủ tướng Anh "trỗi dậy" và bị "nhấn chìm" bởi Brexit

ANTD.VN - Theresa May từng được kỳ vọng sẽ trở thành “bà đầm thép” thứ 2 trong lịch sử nước Anh nhưng lời tuyên bố từ chức của bà đưa ra vào ngày 24-5 vừa rồi khiến nhiều người không khỏi thất vọng. Bà May nắm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức vì Brexit nhưng chính bế tắc về thỏa thuận Brexit đã khiến bà phải rời ghế thủ tướng.

Bà Theresa May sinh ngày 1-10-1956 tại Eastbourne, East Sussex, miền đông nam nước Anh, là con gái của một mục sư. Bà từng theo học tại trường công lập Wheatley Park và sau đó chuyển tới học chuyên ngành địa lý tại trường tư thục St Hugh's College, Oxford. (nguồn: Hanoimoi)

Năm 1976, bà gặp ông Philip May. Cặp đôi đã được ông Benazir Bhutto, người sau này trở thành Thủ tướng Pakistan “mai mối”. Năm 1980, họ kết hôn

Ông Philip May, phu quân của bà Theresa là một nhân vật nổi tiếng trong giới ngân hàng Anh. Ông từng đảm nhiệm cương vị quản lý tại các ngân hàng và quỹ đầu tư De Zoete & Bevan, Deutsche Bank, Capital Group...

Từ năm 1977, bà May làm việc tại ngân hàng trung ương Anh. Sau khi thất bại trong cuộc chạy đua vào Quốc hội năm 1992 và 1994, bà May đã được bầu làm Nghị sỹ đảng Bảo thủ tại Maidenhead vào năm 1997

Tháng 5 năm 2010, bà May được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ Anh. Trong thời gian giữ cương vị này, bà đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết các vấn đề nhập cư, chống chủ nghĩa khủng bố, phòng chống tội phạm...

Trong thời gian là một thành viên trong nội các của Thủ tướng Anh David Cameron, bà May cũng từng đảm nhận chức vụ thành viên Hội đồng An ninh quốc gia. Bà được mô tả là người vô cùng say mê công việc và được so sánh với “bà đầm thép” Margaret Thatcher – Nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh

Bà Theresa May luôn được đánh giá cao khi giữ các vị trí trong chính phủ và Quốc hội, được các thành viên Đảng bảo thủ tín nhiệm và tạo dựng hình ảnh một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề an ninh, xã hội

Năm 2016, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức sau khi Anh trưng cầu dân ý, quyết định rời khỏi EU. Tháng 7-2016, bà trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Anh, sau Margaret Thatcher. (nguồn: Vn Express)

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng tháng 7-2016, May vạch ra chương trình nghị sự đầy tham vọng. Bà nói về việc giúp đỡ người nghèo, chiến đấu với những "bất công cháy âm ỉ" trong xã hội Anh. Tuy nhiên, bà không đạt được nhiều thành tựu vì vấn đề Brexit đã chiếm hầu hết thời gian làm việc của bà

Bà May từng là người ủng hộ Anh ở lại EU, nhưng sau đó bà tuyên bố rằng “Brexit vẫn là Brexit", do vậy bà bác bỏ khả năng tổ chức trưng cầu dân ý lần hai

Tháng 11-2018, Theresa May ký thỏa thuận Brexit với EU, đưa ra các điều khoản về sự ra đi của Anh và thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp gần hai năm để hai bên xây dựng mối quan hệ trong tương lai. Thỏa thuận này cần được quốc hội Anh thông qua và đó là nơi "ác mộng" của Theresa May bắt đầu

Tháng 1-2019, thỏa thuận Brexit của bà May bị quốc hội Anh bác bỏ với tỷ lệ 432 phiếu chống và 230 phiếu thuận - thất bại lớn nhất của chính phủ trong lịch sử quốc hội Anh

Bà tiếp tục đưa thỏa thuận ra quốc hội thêm hai lần nhưng vẫn thất bại. Theresa May chống lại những lời kêu gọi từ chức và tiếp tục lên kế hoạch trình thỏa thuận Brexit ra quốc hội lần thứ tư

Tuy nhiên, áp lực cuối cùng trở nên không thể cưỡng lại. Ngày 24-5, Thủ tướng Theresa May phát biểu bên ngoài văn phòng thủ tướng ở số 10 phố Downing: “Tôi sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày thứ Sáu, 7-6, để người kế nhiệm có thể được chọn”. (nguồn: Dân trí)

“Tôi sẽ sớm rời bỏ công việc mà tôi đã vinh hạnh được làm trong cuộc đời. Nữ thủ tướng thứ hai, nhưng chắc chắn không phải người cuối cùng...Thật đáng buồn, tôi đã không thành công. Tôi tin mình đã đúng khi kiên trì, ngay cả khi có nhiều rào cản cản trở sự thành công. Nhưng giờ đây tôi hiểu rằng để một thủ tướng mới dẫn dắt nỗ lực này sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước", bà May nói trong thông báo từ chức

EU cho biết việc bà rời ghế sẽ không tạo ra thay đổi với các cuộc đàm phán Brexit. Nhiều chuyên gia chỉ trích bà May là một thủ tướng thất bại, nhưng bà cũng sẽ được nhớ đến là một lãnh đạo phải đối mặt với tình huống khó khăn ngay từ khi nhậm chức và đã cố gắng hết mình giải để giải quyết khó khăn ấy