[ẢNH] Những tài năng trẻ bóng bàn Việt Nam khổ luyện ra sao?

ANTD.VN - Âm thầm khổ luyện, mục tiêu của các tuyển thủ bóng bàn trẻ là một suất trên đội tuyển quốc gia và xa hơn là những tấm huy chương danh giá, như HCV đồng đội nam SEA Games 2017 mà đàn anh vừa giành được.

Một ngày của tuyển thủ trẻ bóng bàn thường gồm 3 ca tập: sáng, trưa và tối. Xen lẫn là những giờ học văn hóa.

9h sáng, tất cả thành viên đội tuyển có mặt tại khu tập luyện bóng bàn trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) nghe HLV phổ biến chương trình tập luyện trong ngày.

Khởi động là yêu cầu bắt buộc trước mỗi buổi tập chuyên môn.

Với VĐV bóng bàn, bài khởi động tập trung vào các vùng khớp cổ tay, cổ chân, gối, cổ, cánh tay và bả vai.

"Tu dưỡng - Khổ luyện - Phấn đấu trở thành VĐV ĐTQG" là khẩu hiệu ban huấn luyện đặt ra cho các tuyển thủ trẻ.

Những nỗ lực tập luyện của họ cùng hướng tới một mục tiêu là được khoác lên mình tấm áo ĐTQG, thi đấu các giải quốc tế lớn.

Để hoàn thành mục tiêu, các tuyển thủ phải kiên trì khổ luyện hàng ngày.

Đa số VĐV xuất thân gia đình khó khăn, vì vậy chỉ có thành công mới giúp họ thoát nghèo và không uổng phí công sức luyện tập từ khi 5-6 tuổi.

Hành trình tới thành công là một chặng đường dài gian nan mà các HLV vừa là người thầy, người bạn đồng hành với các tuyển thủ trẻ.

Uốn nắn cho họ từ những động tác đơn giản tới phức tạp.

Mỗi buổi sáng, các tuyển thủ tập giao bóng - động tác cơ bản nhất của môn bóng bàn - không dưới 500 lần.

HLV hoặc đồng nghiệp sẽ hỗ trợ phát bóng để VĐV tập.

Để thuần thục một động tác và đạt tới đẳng cấp có thể thi thố quốc tế, VĐV cần 5-10 năm, thậm chí nhiều hơn thế.

Để thành VĐV chuyên nghiệp đòi hỏi VĐV phải kiên trì rèn giũa.

Không ai muốn mình bị loại trong cuộc đua giành suất lên ĐTQG.

Các tuyển thủ đều chưa tới 18 tuổi nhưng đã có thâm niên nhiều năm trên tuyển trẻ. Có VĐV một năm chỉ về nhà 1 lần dịp Tết Nguyên đán.

Những giọt mồ hôi trên sàn tập hôm nay có thể mang về thành công cho họ trong tương lai.

Khoảng thời gian giải lao, VĐV thay phiên đi nhặt bóng bằng dụng cụ chuyên dụng.

Những quả bóng thi đấu cũng có thể trở thành đồ chơi cho các VĐV giải trí sau buổi tập mệt mỏi.

Giây phút vui đùa của những VĐV còn đang độ tuổi hoa niên.

Một điều khá thú vị là hầu hết các thành viên tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đều có khả năng biểu diễn ảo thuật. Mỗi tối tại khu nội trú trường ĐH TDTT Từ Sơn, các VĐV lại quây quần thi thố, phô diễn tài lẻ này.

Trước khi trở lại với guồng quay mới vào 9h sáng hôm sau.

Tất cả hướng tới mục tiêu cống hiến cho ĐTQG.