[ẢNH] Những sự thật ít người biết về loài muỗi - "sát thủ tí hon" trong thế giới động vật

ANTD.VN - Liệu bạn có biết tốc độ bay của muỗi khá chậm, muỗi có thể "bối rối" vì mùi chocolate hay chỉ có muỗi cái hút máu còn muỗi đực thì "ăn chay"... Đây chỉ là một trong vô vàn những sự thật sắp được "bật mí" sau đây về muỗi - loài sinh vật được mệnh danh là "sát thủ tí hon" trong thế giới tự nhiên. 

Loài muỗi dù mang cơ thể nhỏ bé nhưng lại là sinh vật đứng đầu danh sách những con vật nguy hiểm nhất hành tinh. Chúng được mệnh danh là "sát thủ tí hon" - kẻ gây ra hàng loạt cái chết cho con người và nhiều loại động vật khác

Qua việc hút máu các sinh vật khác, muỗi trở thành vật trung gian lan truyền rất nhiều căn bệnh nguy hiểm có độ tử vong cao như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản, sốt vàng da...             

Nguy hiểm nhất chính là sốt xuất huyết - căn bệnh do muỗi gây ra có tốc độ lây lan nhanh nhất thế giới với 40% dân số toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, sốt xuất huyết là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở một số nước Mỹ Latinh và châu Á

Liệu bạn có biết sự thực chỉ có muỗi cái hút máu còn muỗi đực thì "ăn chay"? 

Nguyên nhân là muỗi cái có vòi dạng đặc biệt có thể xuyên thủng da người và động vật để hút máu, còn muỗi đực thì không có vòi thích hợp để làm việc đó nên những con muỗi đực chỉ có thể hút mật, nhựa cây, dịch hoa quả 

Ngoài ra, muỗi cái không hút máu sinh vật khác chỉ để nuôi sống cơ thể mình mà chúng còn dùng lượng máu hút được để sản xuất ra trứng  
Có một sự thực là loài muỗi thường bị thu hút bởi những vi khuẩn gây mùi có trong mồ hôi. Do đó, những cơ thể đẫm mồ hôi thường trở thành mục tiêu hấp dẫn muỗi tìm đến
Do đó, nếu cơ thể tiết ra mồ hôi, bạn hãy dùng một chiếc khăn khô lau sạch người để hạn chế sự tấn công của muỗi
Liệu bạn có bao giờ thắc mắc tại sao muỗi thường hay vo ve quanh đầu của chúng ta không?

Nguyên nhân do muỗi đặc biệt nhạy cảm với cacbon điôxít (CO2) trong hơi thở sinh vật khác. Mà con người thường thở CO2 qua đường mũi và miệng nên muỗi có xu hướng bay quanh đầu chúng ta

Các nhà nghiên cứu từng phát hiện ra một số mùi hương nhất định như bạc hà, trái cây, chocolate có thể làm vô hiệu hóa bộ phận nhận biết khí CO2 của muỗi, khiến chúng gặp khó khăn trong việc tìm bữa ăn của mình

Loài muỗi còn sở hữu cách bay khá kỳ lạ so với các loài động vật khác. Đối với các loài biết bay như chim sẻ hoặc ruồi giấm, chúng sẽ bay bằng cách giậm nhảy, tiến vào không trung rồi mới vỗ cánh. Muỗi thì hoàn toàn ngược lại

Khi chuẩn bị cất cánh, muỗi bắt đầu đập cánh khoảng 30 ms (mili giây) trước khi nhảy lên. Tốc độ đập cánh của chúng cũng cực kỳ nhanh, có thể lên đến 800 lần mỗi giây, trong khi phần lớn côn trùng cũng kích cỡ chỉ là 200 lần

Trên thực tế, đây là một kiểu bay được đánh giá là không hiệu quả, vì đòi hỏi phải vỗ cánh quá nhiều. Tuy nhiên, cách bay này lại giúp muỗi tránh bị phát hiện sau khi hút no máu

Về cơ bản, sau khi kết thúc bữa ăn, muỗi sẽ tăng từ 2 - 3 lần so với trọng lượng ban đầu. Nếu cất cánh bằng cách giậm nhảy như nhiều loài biết bay khác, muỗi sẽ tạo ra áp lực lớn đánh động vật chủ. Do đó, vỗ cánh trước khi nhảy lên không trung sẽ giúp muỗi phân tán được lực của cơ thể và lực tác động lên da nạn nhân, từ đó dễ dàng "vác" chiếc bụng no máu trốn thoát

Loài muỗi có tốc độ bay đạt từ 1,5 - 2,5 km/h. Điều này khiến chúng bị xếp vào một trong những loài côn trùng bay chậm nhất thế giới