[ẢNH] Những loài động vật là ổ chứa tự nhiên của nhiều virus "tử thần"

ANTD.VN - Từ trước tới nay, dơi luôn bị giới khoa học coi là kẻ phản diện của sinh học. Nguyên nhân là nhờ hệ miễn dịch "chống" lại virus giúp dơi trở thành "bể chứa" mang nhiều mầm bệnh khiến nhân loại khiếp sợ. Đây cũng là "thủ phạm" được nhiều nhà khoa học nghi là nguồn gây ra sự bùng phát của virus corona mới (2019-nCoV) đang hoành hành thời gian qua. Tìm hiểu thêm thì bên cạnh dơi, các loại động vật như chuột, lợn, lạc đà, rắn... cũng được mệnh danh là ổ chứa tự nhiên của nhiều virus "tử thần". 

Dơi là bộ có số lượng loài nhiều thứ hai trong lớp Thú với hơn 1.100 loài (đứng sau bộ Gặm nhấm). Đây là loại động vật có vú duy nhất có thể bay. Ngoài ra, nhờ vào khả năng miễn dịch đặc biệt mà dơi có thể mang trong mình hơn 100 loại virus gây ra những bệnh có nguy cơ tử vong cao    

Các nhà khoa học tìm thấy virus Ebola trong loài dơi trái cây Ai Cập (tồn tại trên khắp châu Phi và Trung Đông). Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và linh trưởng khác, đây là "thủ phạm" gây nên đại dịch Ebola khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Tây Phi (2014)

Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy virus Marburg - một chủng có quan hệ họ hàng với virus Ebola - trong những con dơi ở Uganda vào năm 2007 và 2008. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus này sẽ gây cho người bệnh chứng sốt xuất huyết nặng: Co giật và chảy máu các màng nhầy, da và cơ quan nội tạng, tỷ lệ tử vong từ 50-100% chỉ sau 8-10 ngày

Ở loài dơi đầu xám Australia các nhà khoa học tìm thấy virus Iyssa - "họ hàng" với chủng virus gây bệnh dại. Ngoài ra, chúng còn mang virus Hendra - chủng virus thường tấn công ngựa nhưng có thể lây sang người, gây nên các bệnh lý thần kinh và hô hấp đe dọa tính mạng, thậm chí là tử vong 
Bên cạnh đó, nhờ vào khả năng bay lượn và phân bổ ở khắp mọi nơi (trừ Nam Cực) dơi khiến nhiều động vật hoang dã trở thành vật trung gian trong quá trình lan truyền virus

Ví dụ, ở đại dịch SARS từng bùng phát vào năm 2002-2003 người ta tìm thấy vật chủ mang SARS - CoV (gây tỷ lệ tử vong 8%) là dơi móng ngựa Trung Quốc, tuy nhiên cầy hương mới là vật trung gian truyền bệnh. Tương tự, ở đại dịch MERS năm 2012, MERS - CoV (gây tử vong 35%) được tìm thấy trên cơ thể của dơi mộ Ai Cập nhưng các nhà khoa học cho rằng dịch MERS khởi đầu qua vật trung gian là lạc đà rồi mới lây qua người 

Ngoài ra, chủng virus corona mới (2019-nCoV) - nguyên nhân gây bệnh viêm phổi tại Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm 2019 đến nay được xác định là có “họ hàng" với virus bắt nguồn từ dơi gây ra đại dịch SARS và MERS trước đây

Giả thuyết khoa học cho rằng: Vật chủ mang virus 2019-nCoV là dơi, tuy nhiên vật trung gian truyền bệnh có thể là rắn hoặc những động vật được bày bán trong khu chợ hải sản Hoa Nam (Vũ Hán) - nơi bùng phát dịch bệnh. Sau đó, virus lây lan sang người trong lúc giết mổ hoặc ăn uống
Bên cạnh đó bản thân rắn cũng là một ổ dịch tự nhiên khi chứa vô số ký sinh trùng nguy hiểm gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, viêm mống mắt... làm ảnh hưởng đến tâm thần phân liệt, tổn thương nhiều cơ quan và gây nguy hiểm đến tính mạng
Nhắc đến virus "tử thần" nếu không đề cập đến virus HIV gây ra căn bệnh HIV/AIDS sẽ là một thiếu sót lớn. Virus HIV là tên gọi của một loại virus gây suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể con người mất dần sức đề kháng với các vi sinh vật gây bệnh, tạo điệu kiện phát triển cho những bệnh lý nguy hiểm

Có hai chủng HIV là HIV-1 (bắt nguồn từ tinh tinh) và HIV 2 (bắt nguồn từ một loài khỉ nhỏ ở châu Phi có tên Sooty Mangabey). Giả thuyết về con đường lây truyền từ nguồn động vật sang người của virus HIV đến vào năm 1921 tại Tây Phi, có một người trong lúc vật lộn với tinh tinh đã vô tình dính máu của nó vào vết thương. Từ đó loại bệnh này đã lan đến toàn thế giới 

Cho đến nay, HIV/AIDS do virus HIV gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên toàn thế giới, khoảng 36,7 triệu người đang sống chung với "căn bệnh thế kỷ". Hiện, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa dứt điểm HIV/AIDS, thay vào đó người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) để ức chế sự phát triển của virus 
Chuột cũng là loài động vật được mệnh danh là "thiên dịch" trong tự nhiên. Chuột thuộc bộ gặm nhấm, có thói quen sống ở những nơi ít ánh sáng, không hợp vệ sinh nên cơ thể chứa nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn, virus "tử thần"...

Ở chuột, người ta tìm thấy virus Hanta - virus gây ra các triệu chứng bệnh như sốt, xuất huyết, suy gan, suy thận cấp tính và tỷ lệ tử vong cao. Con người có thể nhiễm virus thông qua phân, nước bọt hoặc tiếp xúc với chuột mang virus Hanta

Vào năm 1972, người ta còn phát hiện chuột nhắt là hồ chứa chính của virus Lassa - một loại virus gây ra sốt xuất huyết Lassa với những biểu hiện như: Cúm có sốt, đau họng, đau đầu, xuất huyết nội, thậm chí là mù mắt, tim đập nhanh và nguy cơ ngừng tim cao do kiệt sức

Chuột còn là vật chủ gây ra bệnh dịch hạch - bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Yersinia pestis, lây qua người bởi bọ chét ký sinh. Bệnh có các thể lâm sàng như: Dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể nhiễm trùng huyết, dịch hạch thể phổi, dịch hạch thể màng não     

Ngoài ra, chuột còn là tác nhân gây ra những bệnh như: Bệnh viêm màng não; Bệnh nhiễm vi trùng kiết lỵ, amibe, vi khuẩn Salmonella; Bệnh dại; Bệnh uốn ván...

Mùa hè là thời điểm "lý tưởng" cho bệnh viêm não Nhật Bản bùng phát (thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi). Theo các nhà khoa học, lợn và các loại thủy cầm là vật chủ mang mầm bệnh, trong khi đó, con người là ký chủ cuối cùng bởi virus viêm não Nhật Bản không thể lan truyền từ người sang người mà phải qua trung gian là muỗi đốt

Muỗi Culex là vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Các triệu chứng của bệnh thường bao gồm: Sốt cao, đau đầu, nôn... Bệnh trở nặng với những triệu chứng như co giật, thở gấp, rối loạn thần kinh... Tình trạng này xảy ra khoảng 5-15 ngày sau khi bị nhiễm 

Tin cùng chuyên mục