[ẢNH] Những lần luận tội Tổng thống trong lịch sử Mỹ

ANTD.VN - Dù là người đứng đầu đất nước, song những vị Tổng thống này cũng không tránh khỏi việc bị điều tra luận tội trước Quốc hội Mỹ do những sai phạm của mình. Mới đây, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có nguy cơ sẽ bị điều tra luận tội trước Quốc hội do cáo buộc ép chính phủ nước ngoài điều tra đối thủ tranh cử. 

Trong tuyên bố được phát đi rạng sáng 25-9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi xác nhận đã chính thức khởi động một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump sau nhiều tháng miễn cưỡng trước các áp lực từ bên trong nội bộ Đảng Dân chủ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhấn mạnh không ai có quyền đứng trên luật pháp, kể cả Tổng thống. Sự kiện đánh dấu một cuộc đụng độ kịch tính mới giữa Nhà Trắng và Quốc hội có thể kéo dài tới tận cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020

Theo thống kê của Đài CNN, hiện đã có hơn 160 nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ ủng hộ luận tội ông Trump. Trước thời ông Trump, nhiều Tổng thống Mỹ khác cũng đã từng bị điều tra luận tội

Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội là ông Andrew Johnson của đảng Dân chủ vào năm 1868, người kế nhiệm vị trí lãnh đạo nước Mỹ sau khi nội chiến kết thúc và Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát

Ông Johnson bị cáo buộc lạm quyền khi sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, người được Tổng thống Lincoln bổ nhiệm và thuộc đảng Cộng hòa

Dù các nội dung luận tội đối với ông Andrew Johnson được Hạ viện Mỹ ủng hộ mạnh mẽ với 2/3 nghị sĩ bỏ phiếu tán thành, việc phế truất Tổng thống bị chặn lại ở Thượng viện. Tổng thống Andrew Johnson bảo vệ thành công ghế của mình tại phiên tòa Thượng viện với cách biệt chỉ 1 phiếu bầu

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa bất ngờ ủng hộ Tổng thống của đảng đối lập vì nhận thấy chiến dịch luận tội mang động cơ chính trị. Các nghị sĩ cho rằng việc phế truất Tổng thống với động cơ chính trị sẽ làm tổn hại đến sức mạnh Hiến pháp của nước Mỹ

Tổng thống Mỹ thứ 2 bị luận tội là ông Bill Clinton hồi năm 1998-1999 xoay quanh bê bối tình cảm giữa Tổng thống Mỹ đương thời với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky

Tháng 11-1995, ông Clinton bắt đầu có mối quan hệ với Monica Lewinsky, một thực tập sinh. Trong khoảng thời gian một năm rưỡi, Tổng thống và Lewinsky đã có hơn chục lần tiếp xúc tình dục tại Nhà Trắng

Tháng 4-1996, Lewinsky được chuyển tới Lầu Năm Góc. Mùa hè năm đó, cô đã lần đầu tiên tâm sự với đồng nghiệp Linda Tripp về quan hệ giữa cô và Tổng thống. Năm 1997, Tripp đã bắt đầu bí mật ghi âm các cuộc trò chuyện với Lewinsky, trong đó Lewinsky đã kể cho Tripp nghe chi tiết về mối quan hệ đó

Sau khi vụ bê bối tình ái bị phanh phui vào tháng 1-1998, Tổng thống Bill Clinton vẫn một mực phủ nhận có "những quan hệ tình dục" với Monica Lewinsky. Cách phản ứng của ông Clinton chọc giận Hạ viện Mỹ, vốn khi đó do các thành viên đảng Cộng hòa chiếm đa số. Họ cáo buộc ông "bội thệ" khi nói dối với điều tra viên và "cản trở công lý" khi yêu cầu nhân viên Nhà Trắng phủ nhận mối quan hệ vụng trộm

Ngày 1-7-1999, phiên luận tội Tổng thống Clinton diễn ra tại Thượng viện. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ kể từ phiên tòa luận tội Tổng thống Andrew Johnson. Theo Điều 1 của Hiến pháp Mỹ, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ, khi đó là ông William Rehnquist, đã tuyên thệ để trở thành chủ tọa và 100 Thượng nghị sĩ tuyên thệ để đảm nhận vị trí bồi thẩm đoàn

Năm tuần sau, vào ngày 12-2-1999, Thượng viện đã bỏ phiếu về việc có phế truất ông Clinton hay không. Tổng thống được tha bổng theo cả hai điều khoản luận tội. Việc truy tố Tổng thống cần đạt được 2/3 số phiếu kết án, nhưng việc này đã thất bại

Với cáo buộc khai man, có 45 nghị sĩ đảng Dân chủ và 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho rằng Tổng thống "vô tội". Trong khi đó, với cáo buộc cản trở công lý, Thượng viện đã bỏ phiếu 50 - 50

Trường hợp bị điều tra luận tội "đình đám" trong lịch sử chính trị Mỹ là Tổng thống Richard Nixon vào năm 1974, liên quan đến bê bối do thám đối thủ chính trị và cản trở công lý

Ủy ban Tư pháp Hạ viện sau quá trình điều tra đã đệ trình cho toàn thể Hạ viện bỏ phiếu ba nội dung luận tội Tổng thống Nixon cùng nằm trong mục "tội cấp cao và khinh tội"

Nhận thức được nguy cơ bị luận tội cao, ông Nixon sau đó đã từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Điều này đã giúp ông tránh khỏi bị truy tố về vụ đột nhập trụ sở Đảng Dân chủ năm 1972, được biết đến với cái tên bê bối Watergate

Trong ảnh: nhân chứng James McCord (trái), cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và là đồng phạm trong bê bối Watergate, trả lời điều trần trước ủy ban đặc biệt do Thượng viện Mỹ chỉ định điều tra vụ việc năm 1973

Bên ngoài Nhà Trắng khi ấy, người dân biểu tình đòi phế truất Tổng thống Nixon

Tổng thống Richard Nixon đọc tuyên bố từ chức vào ngày 9-8-1974

Sau khi từ chức, Tổng thống Nixon đã may mắn được người kế nhiệm là ông Gerald Ford ký lệnh ân xá vô điều kiện và miễn truy tố mọi tội danh mà ông Nixon từng bị cáo buộc trong nhiệm kỳ Tổng thống 

Một vị Tổng thống khác cũng đứng trước nguy cơ bị luận tội là Tổng thống thứ 10 của Mỹ John Tyler, ông từng bị cáo buộc coi thường và không tuân thủ những quy định cũng như luật pháp của Quốc hội Mỹ

Tuy nhiên, ông Tyler sau đó đã không bị luận tội, ngoài ra ông còn trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên có quyền phủ quyết