[ẢNH] Nhìn lại sự kiện Nga bị cáo buộc cung cấp tham số mật Tor-M1 Iran cho Israel

ANTD.VN - Việc Iran cáo buộc Nga đã cung cấp mã nguồn tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2 của họ cho Israel làm nhiều người liên tưởng đến sự kiện diễn ra hồi năm 2008.  

Trong năm 2012, trang mạng WikiLeaks đã tiết lộ một thông tin gây chấn động đe dọa sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới tiềm năng xuất khẩu vũ khí của cả Nga lẫn Israel.

WikiLeaks khi đó đã công khai khoảng 5 triệu email của Stratfor - tổ chức danh nghĩa là "Trung tâm nghiên cứu dự báo chiến lược" thành lập năm 1996 có trụ sở tại Texas nhưng từ lâu vẫn bị coi là "cái bóng của CIA".

Trang chủ của Stratfor đã bị tấn công vào năm 2011 bởi nhóm tin tặc được biết đến với tên gọi Anonymous và đã để lộ ra vô số thông tin thuộc hàng tuyệt mật.

Một trong số đó là nội dung trao đổi tham số mật của vũ khí được Nga và Israel xuất khẩu sang Iran và Gruzia nhằm giúp họ thiết lập được lợi thế trên chiến trường.

Cần nhắc lại rằng trước đó Nga đã cung cấp cho Iran các tổ hợp tên lửa phòng không tự hành tầm thấp Tor-M1, trong khi Israel bán cho Gruzia máy bay không người lái trinh sát Hermes 450.

Việc Iran có Tor-M1 cũng như Gruzia có UAV Hermes 450 được đánh giá sẽ gây hại cho Quân đội Nga và Israel khi tiến hành hoạt động quân sự chống lại những quốc gia này.

Bởi vậy khi cuộc xung đột Gruzia nổ ra vào năm 2008, Nga cùng với Israel đã bí mật thực hiện phi vụ trao đổi trên. 

Nội dung cụ thể là Tel Aviv cung cấp cho Moskva mã liên kết dữ liệu của UAV Hermes 450 để đổi lấy bộ mã tổ hợp tên lửa Tor-M1 mà Nga đã bán cho Iran.

Sau khi có được bộ mã liên kết dữ liệu từ Israel, có vẻ Nga đã tìm cách xâm nhập vào hệ thống UAV Hermes 450 của Gruzia và buộc chúng tự rơi xuống.

Ngoài ra trong email bị rò rỉ còn có một phần thông tin đề cập tới hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà Israel và phương Tây đã mất nhiều năm ngăn cản Nga không trao cho Tehran.

Thật đáng ngạc nhiên là Israel cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đều đang có sự phối hợp chặt chẽ về thông tin liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không tầm xa này.

Kể từ khi S-300 được cung cấp cho Hy Lạp, Ankara đã luôn tìm cách phá mã của chúng và chia sẻ thông tin tình báo với Israel để đảm bảo họ có lợi thế hơn Iran trong trường hợp Tehran nhận được các tổ hợp tương tự từ Nga.

Rất có thể mã nguồn tổ hợp S-300PMU-2 của Iran đã bị tiết lộ từ năm 2008, dẫn tới việc tháng 3 vừa qua tiêm kích F-35I của Không quân Israel đã xâm nhập không phận Tehran "dễ như đi dạo".

Vào thời điểm WikiLeaks công bố thông tin trên, chính phủ các bên được đề cập trong bức email không đưa ra bất cứ bình luận nào, hiện tại Nga cũng chưa có phản ứng về cáo buộc mới nhất của Iran.

Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng từ nay về sau Nga khó lòng được Iran coi như một đối tác thân thiết và đồng minh tin cậy như trước nữa.