[Ảnh] Nguyên nhân bí ẩn khiến toà chung cư ở Miami sập kiểu ‘bánh kếp’

ANTD.VN -  Ít nhất 4 người thiệt mạng và còn 159 người mất tích sau vụ sập tòa chung cư 12 tầng ở Miami, bang Florida, Mỹ hôm 24-6. Theo giới chuyên gia, sự cố này là kiểu “sập bánh kếp”, rất nguy hiểm và phức tạp đối với nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ. Và câu hỏi quan trọng đặt ra là: Điều gì đã khiến tòa nhà này đổ sập?

Lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực suốt ngày đêm để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới những đống đổ nát vốn rất nguy hiểm, trong khi những đám cháy âm ỉ vẫn đang bốc khói.

Ông Gregg Favre, cựu sĩ quan chỉ huy của Sở Cứu hỏa St. Louis và là thành viên đội cứu hộ đặc biệt có kinh nghiệm cho biết, sự cố này là kiểu “sập bánh kếp”, rất nguy hiểm và phức tạp đối với nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.

Ông Gregg Favre giải thích, kiểu sập này giống những chiếc bánh kếp (loại bánh dẹt, mỏng đặt trên chảo nướng) có xu hướng tự xếp chồng lên nhau, ép dồn toàn bộ trọng lượng từ trên xuống, nên sẽ có rất ít khoảng trống hay không gian để tìm kiếm nạn nhân.

Một ví dụ điển hình chính là sự sụp đổ của Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ tấn công khủng bố 11-9. Khi các máy bay bị cướp tấn công vào mặt bên, tòa tháp mất khả năng chịu lực thẳng đứng nên các tầng trên từ từ sụp xuống.

Hiện tượng “sập bánh kếp” thường xuyên xảy ra sau các trận động đất lớn, hoặc khi chấn động làm hỏng các kết cấu chịu lực của tòa nhà. Nhưng những vụ sập kiểu đó không phổ biến ở Florida

“Vụ sập chung cư này là điển hình của việc các cột trụ không đủ khả năng chống đỡ. Nếu các cột trụ sụp xuống, mọi thứ sẽ đổ xuống theo", Kit Miyamoto, một kiến trúc sư, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban An toàn địa chấn California cho hay.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có thể là do các thanh kim loại bên trong cột trụ bị ăn mòn - một hiện tượng khá thường thấy ở những tòa nhà ven biển.

Các nhà chức trách địa phương nói rằng, tòa chung cư này hoàn thành năm 1981, chưa khi nào xảy ra tình trạng hư hỏng bất thường.

Luật sư của Hiệp hội quản lý tòa nhà này, ông Kenneth Direktor nói rằng, tòa nhà này đã trải qua một loạt đợt kiểm tra "trong những tháng qua" để chuẩn bị cho quy trình xác nhận sự an toàn mang tính dấu mốc 40 năm.

Tại cuộc họp báo hôm 24-6, ông Charles W. Burkett - người đứng đầu thị trấn Surfside, đã bác bỏ những thông tin cho rằng việc sửa chữa phần mái là nguyên nhân khiến tòa nhà đổ sập.

Tòa nhà 12 tầng với 136 căn hộ, được xây dựng vào năm 1981 và đang trong hiện trạng sửa chữa phần mái. Tuy nhiên, không có hoạt động sửa mái nào diễn ra trong thời điểm xảy ra tai nạn.

Ngày 24-6, USA Today là trang đầu tiên đưa tin về một nghiên cứu công bố vào năm ngoái cho thấy tòa chung cư bị đổ sập trên, không giống như những tòa nhà xung quanh nó, đã đang lún xuống với tỷ lệ khoảng 2mm/năm từ 1993 - 1999.

Nhưng mức độ như vậy cũng không phải quá lớn. Bởi nếu đất thực sự lún, mọi người trong tòa chung cư sẽ thấy vết nứt trên sàn nhà, tường hay trần nhà.

Điều lạ nữa là ở California - nơi thường xảy ra các trận động đất lớn, việc các công trình đổ sập cũng hiếm khi xảy ra.

Và một phần của tòa nhà này sụp xuống trong khi những phần khác vẫn trụ vững là một "bí ẩn".

Ngay sau khi xảy ra vụ sập chung cư, Tổng thống Biden đã phê chuẩn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại bang Florida và ra sắc lệnh hỗ trợ liên bang đối với nỗ lực tìm kiếm cứu hộ của bang Florida và thành phố Miami.

Mặc dù các nhà chức trách khẳng định sẽ tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, việc xác định nguyên nhân chính xác vụ sập chung cư trên là điều bất khả thi.