[ẢNH] Nghẹn ngào bước trên cây cầu từng chia cắt 2 miền đất nước

ANTD.VN - Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương ra đời năm 1954 khiến cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời nằm trong Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, chia cách 2 miền đất nước.

Toàn cảnh đôi bờ cầu Hiền Lương (1961) trong những năm tháng đất nước bị chia lìa sau khi hiệp định Genève được ký kết

Theo Hiệp định trên, Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (Khu phi quân sự Việt Nam - V-DMZ) được lập ra dưới sự giám sát quốc tế, hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956, giới tuyến tạm thời này sẽ bị xóa bỏ

Tuy nhiên, năm 1956, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã từ chối không tham gia cuộc tổng tuyển cử, đơn phương phá vỡ hiệp định Genève. Cầu Hiền Lương buộc phải trở thành ranh giới chia cắt 2 miền đất nước. Sự chia cắt này kéo dài đến hơn 20 năm, khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975

Cổng chào phía Bắc cầu Hiền Lương vào năm 1963

Cổng chào được phục dựng vào ngày nay

Những hàng rào phủ rêu xanh vẫn lặng lẽ đứng đó như những chứng tích lịch sử

Đằng sau việc cây cầu Hiền Lương có 2 màu (vàng và xanh) cũng là một câu chuyện lịch sử sâu sắc. Ban đầu, Việt Nam Cộng hòa sơn nửa cầu phía bên mình màu xanh, sau đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sơn nửa cầu kia thành màu xanh y hệt. Và cứ thế, Việt Nam Cộng hòa sơn màu gì, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại sơn màu đó. Đây là một cách đấu tranh chính trị, nói lên khát vọng thống nhất đất nước

Tỉnh Quảng Trị vừa qua đã hoàn thành phục hồi màu sơn cho cầu Hiền Lương về thời kỳ đất nước chưa thống nhất nhằm nhắc nhớ ý nghĩa lịch sử của di tích và nhấn mạnh đến giá trị của thống nhất, toàn vẹn non sông. Phía Bắc được sơn màu xanh tượng trưng cho hòa bình, còn phía Nam là màu vàng

Cây cầu Hiền Lương mới nằm sát cạnh cây cầu cũ vốn được coi là di sản

Ai đi qua đây, khi nhìn sang phía cây cầu cũ, cũng khó tránh khỏi cảm giác nghẹn ngào xúc động khi nghĩ về một thời đất nước bị chia cắt

Đầu cầu phía Bắc nhìn về bên kia sông Bến Hải, xa xa vẫn còn đó tháp canh của Việt Nam Cộng hòa

Đây là đồn công an vũ trang Hiền Lương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ở bờ phía Nam cầu Hiền Lương, có thể dễ dàng nhận ra Đài tưởng niệm Khát vọng Thống nhất

Đài tưởng niệm lấy cây dừa làm hình tượng chính...

 ... tượng trưng cho các thế hệ miền Nam một lòng hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ kính yêu

Với hình tượng người phụ nữ đứng ở giữa, mắt hướng về phía Bắc, ánh lên nỗi khắc khoải và hy vọng, tay ôm vai đứa con gái nhỏ, Đài tưởng niệm gợi lên nỗi khát vọng thống nhất cháy bỏng của đồng bào miền Nam, một lòng theo Cách mạng

Dưới chân Đài tưởng niệm là câu nói của Bác: "Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"

Sau khi Ngô Đình Diệm lập nên chính quyền ở miền Nam cùng với sự ủng hộ quân sự từ Hoa Kỳ, cuộc chiến không tiếng súng ở khu V-DMZ diễn ra bằng nhiều hình thức lạ lùng khác, như đấu loa công suất lớn

Một trong những giàn loa phát thành công suất lớn ở bờ Nam sông Bến Hải những năm 1960

Trong khuôn viên nhà trưng bày vĩ tuyến 17 cầu Hiền Lương hiện còn lưu lại những chiếc loa trong những cuộc "giao chiến âm thanh" này

Một chòi canh của lính bên bờ Nam ngày xưa

Một người lính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới chân cột cờ ở bờ Bắc vào năm 1957

Trong những năm tháng ấy, có những cuộc "đấu cờ" đầu giới tuyến kéo dài suốt 1.440 ngày đêm. Nhiều lúc, cờ ở phía Bắc bị rách do bom Mỹ. Chỉ tính riêng từ 5-1956 đến 10-1967, lần lượt 267 lá cờ Tổ quốc đã được treo trên kỳ đài Hiền Lương

Biểu tượng mẹ Diệm vá cờ Tổ quốc được phục dựng tại nhà trưng bày. Trong những năm tháng chiến tranh, mỗi khi lá cờ Tổ quốc bị rách, mẹ Diệm lại thức trắng đêm vá lại, để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên cột cờ giới tuyến, minh chứng cho khát vọng mãnh liệt về một non sông thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục