[ẢNH] Ngạc nhiên với một Iran "nghìn lẻ một đêm" không bóng dáng hạt nhân, tên lửa

ANTD.VN - Truyền thông gần đây cho thầy những hình ảnh về đất nước Iran có phần cứng rắn, khắc nghiệt. Nhắc đến Iran thường là nhắc đến những tranh cãi triền miên về các chương trình hạt nhân của nước này, giữa một bên là Iran với một bên là liên minh do Mỹ đứng đầu. Song vẫn còn một góc khác về con người, văn hóa, những nét thú vị ở đất nước Tây Á này.

98% người dân Iran theo đạo Hồi, 89% trong số đó theo dòng Hồi giáo Shia, chỉ 9% theo dòng Hồi giáo Sunni. 2% dân số còn lại theo Đạo Ki tô, Đạo Baha’i, Đạo Do Thái, Hỏa Giáo Ba Tư. 61% dân số người gốc Iran (Ba Tư), 16% người Azeri, 10% người Kurds, 6% người Lur, 2% người Baloch, 2% người Ả-rập và 2% gốc người Thổ Nhĩ Kỳ.

Iran là đất nước có nhiều kỳ nghỉ chính thức nhất thế giới với khoảng 25 kỳ nghỉ hàng năm, đều liên quan đến tôn giáo, đặc biệt là ngày sinh, ngày mất của các lãnh tụ Hồi Giáo. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các kỳ nghỉ không chính thức xuất hiện ở Iran, theo trào lưu của thế giới.

Iran đã được biết đến là Đế chế Ba Tư trong lịch sử. Năm 1935, Reza Shah Pahlavi – Hoàng đế Ba Tư giai đoạn từ 1925 đến 1941 đã đổi tên nước Ba Tư thành Iran. Năm 1979, khi chế độ quân chủ bị lật đổ bởi các giáo sỹ tôn giáo, Iran trở thành Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.


Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2018, dân số Iran khoảng hơn 80 triệu người, độ tuổi trung bình 30 tuổi. Số liệu nhân khẩu học như vậy chứng minh Iran là một trong những đất nước trẻ nhất thế giới.

Hầu hết người Iran không thích đeo cà vạt bởi vì họ cho rằng đây là biểu tượng của phương Tây. Với sự thay đổi lớn về chính trị năm 1979, người dân cởi mở hơn trong việc mặc các bộ đồ comple, nhưng không đeo cà vạt. Đối với phụ nữ, họ phải đeo khăn choàng Hijab từ 9 tuổi. Luật này được áp dụng đối với cả khách du lịch.

Iran được mệnh danh là “thủ phủ của phẫu thuật thẩm mỹ mũi”, vượt Hàn Quốc để đứng đầu thế giới về số lượng ca thực hiện phẫu thuật nâng mũi.

Nền văn minh Ba Tư là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Iran là đất nước của 23 di sản đã được UNESCO công nhận như Thủ đô của Vương quốc Achaemenid, Persepolis, Meidan Emam, Cung điện Golestan, Hệ thống thủy lực Shushtar, Hệ thống dẫn nước Qanat…

Ba Tư là một đế chế lớn với nhiều phát minh vĩ đại. Một trong số này là cối xay gió. Một số nhà sử học cho rằng, hệ thống bưu chính đầu tiên xuất hiện ở Ba Tư, 550 năm trước công nguyên.

Nếu ai muốn tìm hiểu văn hóa đặc sắc của Ba Tư, có thể đọc qua các bài thơ Ba Tư. Thơ giữ một vị trí quan trọng trong nền văn hóa Ba Tư. Hầu hết người dân Ba Tư có thể đọc thuộc lòng các bài thơ nổi tiếng như “Shahnameh”, “Sử thi về các vị Vua”.

Được mệnh danh “thủ phủ của những tấm thảm”, Iran đã sản xuất tấm thảm lớn nhất thế giới có kích cỡ bằng sân vận động vào năm 2007 cho một nhà thời ở Abu Dhaibi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Với lịch sử 2.500 năm làm thảm Ba Tư, thảm của Iran là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2, chỉ sau dầu mỏ.

Iran sử dụng 3 loại lịch – lịch Hijri của người Ba Tư, lịch dương và lịch Hồi Giáo – đều được coi là lịch chính thức ở Iran. Do vậy, khi một kỳ nghỉ tôn giáo được thêm vào, sẽ gây ra một chút khó khăn cho người dân địa phương quen theo lịch Ba Tư, bởi vì các kỳ nghỉ được tính theo lịch Hồi Giáo.

Một trong những điều thú vị về đất nước Iran là sự tồn tại hôn nhân ngắn hạn, có thể kéo dài một vài giờ cho đến vài năm, phụ thuộc vào hợp đồng. Hôn nhân ngắn hạn được pháp luật Hồi giáo Shia cho phép.

Nếu một cặp đôi quyết định cưới, họ cần trải qua lớp học tiền hôn nhân để nhận chứng chỉ kết hôn. Những lớp học này thường kéo dài 1 giờ, tập trung vào việc phòng ngừa sự có thai ngoài ý muốn.

Gần đây, người dân Iran có xu hướng không thích tổ chức đám cưới vì chi phí đắt đỏ. Chính phủ đã quyết định trích lập một khoản ngân sách 720 triệu USD để chi trả cho các đám cưới, nhằm thúc đẩy các cặp đôi tổ chức đám cưới.

Kết hợp tuyệt vời ẩm thực Hy Lạp, Trung Đông và Ấn Độ; ẩm thực Iran đa dạng hơn, ít cay hơn và bao gồm nhiều nguyên liệu như hạt, ngũ cốc, trái cây, rau tươi, thịt cừu, thịt gà, cơm, bánh mì… Các bữa ăn thường kết thúc bằng một tách trà đen.

Hầu hết các gia đình Iran không sử dụng bàn ghế khi ăn uống. Họ ngồi nên các tấm đệm trên sàn nhà. Người dân Iran sử dụng tay để ăn.

Từ “Taarof” là một từ Ba Tư, hướng đến phép lịch sự nhấn mạnh cả sự kính trọng và vị trí xã hội. Taarof được coi là truyền thống của người Iran, thể hiện sự kính trọng và khiêm nhường khi tiếp đón khách. Ví dụ: nếu bạn được mời thứ gì, thức ăn hoặc quà, bạn nên từ chối lịch sự để thể hiện bạn không tham lam. Nếu bạn được mời lần nữa, bạn có thể đồng ý.

Sữa Ba Tư là một sản phẩm rất nổi tiếng. Người dân địa phương tin tưởng rằng, sữa Ba Tư có rất nhiều công dụng như làm thuốc chữa trị ho, mất ngủ, cháy nắng, để làm đẹp hay kéo dài tuổi thọ.

Nghệ tây, trứng cá muối, quả hồ trăn là một số sản phẩm nổi tiếng của Iran. Iran được coi là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với những sản phẩm này.

Không như mọi người thường nghĩ, phụ nữ Iran vẫn được phép lái xe. Thậm chí còn có dịch vụ phụ nữ lái xe taxi ở Tehran.

Những năm 1970, chỉ có 37% người Iran trưởng thành biết đọc, viết. Từ khi Chính phủ triển khai hệ thống giáo dục hiện đại, đến năm 2015, tỷ lệ người trưởng thành Iran biết đọc, viết tăng lên 93%, đến bây giờ là 97%.

Có nguồn gốc từ Pháp, Parkour – chạy và nhảy tự do – thực sự phổ biến ở Iran. Iran có những khu công viên, câu lạc bộ dành cho Parkour. Sự phổ biến của Parkour ở Iran có thể được giải thích bởi Parkour không cần đến các trang thiết bị, dụng cụ đặc biêt nào khác; mọi nơi ở thành phố đều có thể trở thành sân chơi cho môn thể thao Parkour.

Các mạng xã hội Twitter, Facebook và Instagram không sử dụng được trong hệ thống mạng Internet quốc gia được kiểm soát bởi Chính phủ. Nếu muốn truy cập, người dùng cần phải có mạng riêng ảo VPN. Mạng Internet được kiểm soát bởi Chính phủ đã được triển khai từ năm 2012.

Truyền hình vệ tinh bị cấm ở Iran, do vậy, nên phần lớn người dân Iran khó có thể xem các chương trình của phương Tây.

 

Thời tiết ở Iran khá khắc nghiệt. Suốt mùa đông, các vùng núi có tuyết và đóng băng. Mùa hè nóng, khô. Iran không có mưa nhiều, lượng mưa trung bình hàng năm chỉ tầm 4 inch (khoảng hơn 10 cm). 

“Những đứa trẻ nhà giàu ở Tehran” trở thành một chủ đề của truyền thông, đặc biệt trong các giai đoạn có sự bất ổn về chính trị. Chúng trở nên nổi tiếng với những bữa tiệc sang trọng, những chiếc xe hơi đắt tiền, đồ trang sức và phong cách sống xa hoa.

Với khoảng 4 triệu thùng dầu được sản xuất mỗi ngày, Iran chiếm 10% lượng dữ trữ dầu trên toàn thế giới. Điều này làm Iran trở thành một trong những nhà sản xuất dầu mỏ nhiều nhất thế giới.