[ẢNH] Ngạc nhiên trước sức mạnh phi đội máy bay ném bom Tu-22M3 của Ukraine

ANTD.VN - Mặc dù bàn giao lại cho Nga phần lớn số máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS, tuy nhiên Không quân Ukraine vẫn duy trì cho mình phi đội Tu-22M3 rất đông đảo trong môt thời gian khá dài.  

Tupolev Tu-22M Backfire là loại máy bay ném bom tấn công siêu âm cánh cụp cánh xòe tầm xa của Hải quân Liên Xô, được phát triển nhằm thay thế người tiền nhiệm Tu-22 Blinder không mang lại thành công như mong đợi.

Tu-22M ra đời trong thời kỳ ưu điểm của kiểu cánh cụp cánh xòe bao gồm cho phép kết hợp tính năng cất cánh đường băng ngắn, tốc độ bay tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả, duy trì tốc độ cao và khả năng bay thấp đang hấp dẫn các nhà thiết kế.

Nguyên mẫu Tu-22M0 cất cánh lần đầu ngày 30/8/1969, trong những cuộc đàm phán SALT hồi thập niên 1980 Liên Xô gọi nó là Tu-22M. 

Có tất cả 9 chiếc Tu-22M0 tiền sản xuất được chế tạo, tiếp theo là 9 chiếc Tu-22M1 (Backfire A) sản xuất năm 1971 và 1972.

Cũng trong năm 1972, phiên bản Tu-22M2 (Backfire B) đã đi vào sản xuất hàng loạt và phiên bản hiện đại nhất Tu-22M3 (Backfire C) trang bị động cơ NK-25 với cửa hút gió kiểu MiG-25 chính thức vào biên chế năm 1983.

Thông số kỹ thuật của phiên bản Tu-22M3 bao gồm: Kíp lái 4 người; chiều dài 41,46 m; sải cánh 23,3 m (cụp ở góc 65 độ), 34,28 m (xòe ở góc 20 độ); chiều cao 11,05 m; trọng lượng rỗng 58.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 126.500 kg, tải trọng vũ khí 21.000 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov NK-25 cung cấp lực đẩy 245,2 kN, cho tốc độ tối đa Mach 1,88; tầm bay 7.000 km; trần bay 13.300 m.

Trong Chiến tranh lạnh, Tu-22M3 thường mang theo tên lửa chống tàu AS-4 Kitchen khi tuần tra, nó lần đầu được sử dụng trong chiến đấu tại Afghanistan từ năm 1987 - 1989, Nga từng triển khai Backfire để tiến hành không kích gần Grozny vào năm 1995.

Trong lịch sử hoạt động, đã có ít nhất 1 máy bay ném bom Tu-22М3 của Nga bị hệ thống phòng không Gruzia bắn rơi trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng năm 2008.

Khi Liên Xô sụp đổ có khoảng 370 chiếc Tu-22M còn hoạt động trong Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, trong đó Không quân Ukraine còn duy trì một phi đội hùng hậu tới tận đầu những năm 2000.

Cụ thể trong Không quân Ukraine, Trung đoàn ném bom hạng nặng cận vệ số 184 trực thuộc Sư đoàn ném bom hạng nặng số 106 có trong biên chế 20 chiếc Tu-22M3 giai đoạn 1993 - 2000.

Ngoài ra Trung đoàn ném bom cận vệ hạng nặng số 185 trực thuộc Sư đoàn ném bom cận vệ hạng nặng số 13 được biên chế 18 chiếc Tu-22M3 thời điểm năm 1991, máy bay cuối cùng bị dỡ bỏ vào năm 2006.

Trong đoàn ném bom hạng nặng số 260 trực thuộc Sư đoàn ném bom hạng nặng cận vệ số 22 cũng có 18 chiếc Tu-22M3 trong trang bị tại thời điểm năm 1991, chúng cũng bị loại biên dần sau đó không lâu.

Về phía Không quân Hải quân Ukraine, Trung đoàn huấn luyện chiến đấu số 540 trực thuộc Trung tâm huấn luyện số 33 từng nắm giữ tới 29 chiếc Tu-22M2/M3, chúng bị đưa vào tình trạng lưu trữ vào đầu những năm 1990 và bị dỡ bỏ trong giai đoạn tháng 11/2002 - 7/2004.

Từ hàng chục máy bay ném bom Tu-22M3 từng phục vụ trong biên chế, Không quân Ukraine hiện giờ chỉ còn 2 chiếc Tu-22M2 và Tu-22M3 trưng bày tại Bảo tàng hàng không Poltava.