[ẢNH] Nga - Trung Quốc "giật mình" khi phi đội F-22 của Mỹ được bổ sung "thành viên mới"

ANTD.VN - Không lực Hoa Kỳ vừa thông báo rằng chiếc máy bay chiến đấu F-22A Raptor lâu đời nhất của lực lượng này đã quay lại hoạt động sau gần 6 năm phải nằm đất.

Trước khi dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình F-22 ngừng hoạt động, đã có tổng cộng 187 chiến đấu cơ loại này được xuất xưởng, tuy nhiên do những sự cố trong vận hành mà hiện chỉ còn 183 chiếc đang trực chiến.

Tuy nhiên vào hôm 30/8, Không lực Hoa Kỳ đã tái biên chế chiếc tiêm kích tàng hình F-22A Raptor số khung #91-4006 sau khi nó đã phải nằm đất tới gần 6 năm.

Được biết đây là chiếc máy bay chiến đấu F-22A Raptor có tuổi đời "già" nhất của Không quân Mỹ, nó từng được sử dụng như một mẫu thử nghiệm các thiết bị điện tử từ tháng 5/2001.

Sau đó tới năm, các quan chức không quân nhận định rằng chiếc chiến đấu cơ này cần được trải qua quá trình nâng cấp để tiếp tục sử dụng, nhưng do chi phí quá tốn kém mà nó đã phải nằm đất từ đó tới nay.

Nhưng có lẽ trước sự trỗi dậy của Không quân Nga và đặc biệt là Trung Quốc, phía Mỹ nhận thấy rằng họ cần thêm tiêm kích tàng hình trong đội hình chiến đấu, vì vậy chiếc F-22 này đã được gọi tái ngũ.

Được biết các nhân viên kỹ thuật của Tập đoàn Boeing đã phải tiêu tốn tới 27 tháng làm việc tại căn cứ không quân Edwards để khôi phục chiếc F-22 này trở lại tình trạng sẵn sàng bay.

Họ đã tiêu tốn 25.000 giờ làm việc, thực hiện sửa chữa 11.000 lỗi kỹ thuật và phần mềm, gia cố khung thân để máy bay phục vụ được thêm 4.000 giờ bay nữa cũng như cài đặt hệ thống điện tử hàng không mới.

Công việc tu sửa chiếc F-22A Raptor trên đã hoàn thành vào ngày 17/7, và giờ đây nó đang sẵn sàng cho chuyến cất cánh "lần đầu tiên thứ hai" sau khi được trở lại bầu trời.

Chiếc F-22 trên sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò cũ của nó, đó là một máy bay thử nghiệm tính năng của vũ khí cũng như các thiết bị điện tử tích hợp nhằm phục vụ quá trình hiện đại hóa những chiếc F-22 khác.

F-22 Raptor được xem là chiến đấu cơ tàng hình mạnh nhất của Không lực Hoa Kỳ cũng như trên thế giới, nó có độ cơ động cao, khả năng tán xạ sóng radar cực tốt và được tích hợp nhiều thiết bị điện tử tinh vi.

Không quân Mỹ từng tự tin cho rằng 1 chiếc F-22 đủ sức tiêu diệt tới 10 chiếc Su-30 trong không chiến, cho nên con số sản xuất chỉ cần yêu cầu tới 187 máy bay là đủ.

Sau khi bị hao hụt trong quá trình sử dụng, việc Không quân Mỹ tái biên chế chiếc F-22 trên liệu có khiến Nga và Trung Quốc cảm thấy lo sợ khi họ vẫn chưa hoàn thiện chương trình tiêm kích thế hệ 5?

Theo đánh giá, mặc dù là sự kiện đáng quan tâm nhưng việc gọi tái ngũ chỉ một chiếc F-22 duy nhất sẽ chẳng tạo ra sự thay đổi nào về cán cân lực lượng giữa các bên.

Cho nên Nga chắc chắn không việc gì phải lo sợ trước việc phi đội F-22 Raptor của Không quân Mỹ có thêm một thành viên mới mà cũ.

Điều làm họ cảm thấy thực sự lo ngại có lẽ phải là hàng ngàn chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II dự định sẽ được chế tạo trong tương lai không xa nhằm trang bị cho Không quân Mỹ lẫn đồng minh trên khắp thế giới.