[ẢNH] Nga trúng kế Mỹ, không thể rút chân khỏi cuộc chiến Syria?

ANTD.VN - Sự hiện diện của hàng chục tiêm kích Su-30SM tại căn cứ không quân Hmeimim chỉ một thời gian ngắn sau khi Nga rút quân ồ ạt cho thấy Moskva chưa thể rời khỏi cuộc chiến Syria.

Trong tuần qua có một sự kiện rất đáng chú ý liên quan đến hoạt động quân sự của Nga tại Syria, đó là sự tăng cường trở lại cả chục máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM đến căn cứ không quân Hmeimim.

Việc tiêm kích của Hải quân Nga có mặt tại Syria vào thời điểm này được thông báo là để tham gia cuộc tập trận ngoài khơi biển Địa Trung Hải.

Nhưng thực chất dễ dàng nhận ra mục đích thực sự của Moskva đó là tạo thế đối trọng với biên đội tàu chiến Mỹ đang đe dọa thực hiện đòn tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria.

Bên cạnh đó, không thể loại trừ khả năng sau khi tập trận, biên đội chiến đấu cơ này sẽ tiếp tục ở lại Syria để tham dự chiến dịch tấn công vào tỉnh Idlib, căn cứ địa cuối cùng của phiến quân đối lập tại miền Bắc Syria.

Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu tâm đó là mới cách đây không lâu, Quân đội Nga đã tiến hành một đợt rút quân với quy mô chưa từng có khỏi Syria.

Lần triệt thoái thứ ba này diễn ra một cách lặng lẽ nhưng hiệu quả và không hề ồn ào như hai lần trước đó.

Thực chất tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã thực hiện tới ba cuộc rút quân khỏi Syria sau khi tuyên bố "chiến thắng".

Điều đó cho thấy Moskva rất muốn tránh bị sa lầy vào cuộc chiến tại Trung Đông, nhưng gần như ngay sau đó họ đều phải tăng cường lực lượng trở lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đợt triển khai phi đội chiến đấu cơ này có lẽ cũng sẽ như vậy, bởi vì theo nhiều đánh giá từ giới quan sát thì chúng sẽ đóng quân tại Syria một thời gian nữa chứ không thể nhanh chóng quay về nước sau khi cuộc tập trận ngoài khơi kết thúc.

Như vậy có thể thấy rằng dấu hiệu Nga tiếp tục bị sa lầy tại cuộc chiến ở Trung Đông đã hiện lên thấy rõ.

Đáng nói hơn là chúng đến từ một hành động rất đơn giản của Mỹ, đó là đe dọa tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria với lý do ngăn chặn quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường.

Căn cứ cục diện chiến trường hiện nay, chắc chắn SAA chẳng có lý do gì để phải sử dụng vũ khí hóa học, nhất là khi nước ngoài luôn sẵn sàng can thiệp với cái cớ trên.

Mặc dù vậy sự cảnh báo của phía Mỹ vẫn khiến liên minh Nga - Syria không thể làm ngơ và phải căng mình ra nhằm đề phòng mọi tình huống xấu nhất.

Việc duy trì một biên đội tàu chiến ngoài khơi Địa Trung Hải là điều rất dễ dàng với Mỹ, bởi vì họ đang có quá nhiều căn cứ trong khu vực, chi phí bỏ ra cho hoạt động quân sự trên chẳng đáng là bao so với tiềm lực tài chính hùng hậu của Washington.

Nhưng với Moskva thì lại khác, liên tục thực hiện các cuộc điều quân đường dài khi nhiều lần tuyên bố đã triệt thoái khiến ngân sách quốc phòng của họ chịu một gánh nặng lớn.

Hơn nữa Nga còn phải luôn căng mình đề phòng những cuộc tập kích với tần suất như cơm bữa từ phiến quân, điều này sẽ gây ra sự mệt mỏi và chán nản cho các quân nhân.

Có vẻ như bằng một chiến thuật rất đơn giản với chi phí tối thiểu, Mỹ đang khiến Nga và Syria phải vất vả đối phó bằng chi phí tối đa và không thể rút chân nhẹ nhàng khỏi mảnh đất Trung Đông nóng bỏng này.