[ẢNH] Nga toan tính gì khi bán vũ khí cho cả hai bên xung đột tại Trung Đông?

ANTD.VN - Khu vực Trung Đông đang có sự hiện diện của rất nhiều vũ khí tối tân do Nga cung cấp, điều đáng chú ý đó là chúng lại được bán cho cả hai phía đối địch với nhau.

Hiện nay Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho hai đồng minh thân cận bậc nhất của họ tại khu vực Trung Đông là Quân đội Iran và Syria.

Các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2, Tor-M1, Buk-M2E hay Pantsir-S1... có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các quốc gia này tự vệ trước đối thủ nước ngoài.

Mặc dù vậy, S-400 hay Pantsir-S1 không phải là mặt hàng Nga cung cấp độc quyền cho hai đồng minh trên mà còn xuất khẩu tới Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Điều đáng nói ở đây đó là Saudi Arabia cùng với UAE lại là hai quốc gia thù địch với Iran.

Không chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ, Nga còn cho biết họ sẵn sàng bán cả tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E cho Saudi Arabia để tạo lập năng lực răn đe.

Hành động trên được xem là giúp Saudi Arabia có khả năng tung đòn trả đũa trực tiếp vào lãnh thổ Iran, khi Tehran vẫn bị cáo buộc đã tuồn lên lửa cho nhóm phiến quân Houthi sử dụng để tập kích vào thủ đô Riyadh.

Khi đã nắm trong tay cả S-400 lẫn Iskander-E, Saudi Arabia không những có thể an toàn trước mọi cuộc tấn công của Houthi được Iran hậu thuẫn mà còn đủ sức giáng đòn mạnh khiến Tehran không thể chống trả.

Việc làm này của Nga khiến đồng minh Iran không thể cảm thấy vui vẻ, nhất là sau những cáo buộc Nga đã bí mật bán mã nguồn của S-300PMU-2 cho tình báo Israel.

Không chỉ có vậy, để chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn, Nga còn bán cho UAE tháp pháo Bakcha-U - loại lắp trên xe chiến đấu bộ binh BMP-3.

Tháp pháo này đã được UAE sử dụng để trang bị cho các xe thiết giáp bánh lốp Patria AMV mua từ Phần Lan, tạo ra một phương tiện chiến đấu cực kỳ đáng gờm.

Sức cơ động cùng hỏa lực mạnh của phương tiện trên đã giúp cho Quân đội UAE đẩy lùi được nhóm vũ trang Houthi ra khỏi các vùng đất chiếm đóng tại Yemen.

Thậm chí đã có cảnh báo rằng vũ khí này còn có thể được liên quân Arab sử dụng cho một cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria trong tương lai không xa.

Bên cạnh tháp pháo Bakcha-U, Nga còn cung cấp cho UAE khá nhiều tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tối tân Pantsir-S1.

Quân đội UAE đã dùng vũ khí này để bắn hạ nhiều UAV do Iran sản xuất cũng như đạn phản lực phóng loạt của Houthi tại biên giới giáp với Yemen.

Rõ ràng vũ khí Nga trong tay phía đối địch đã khiến đồng minh Iran của họ phải "thất điên bát đảo" và chưa biết làm thế nào để đối phó một cách thật phù hợp.

Không rõ Nga có toan tính gì cụ thể trong chiến lược bán hàng như trên hay chỉ đơn giản là phục vụ lợi nhuận, nhưng việc làm này rất dễ gây xói mòn lòng tin với đồng minh trong khu vực.