[ẢNH] Nga mỉm cười khi "chiến thần" F-35 hủy diễn tập vì sợ sét

ANTD.VN - Hà Lan thừa nhận phải hủy nội dung diễn tập của tiêm kích F-35A với oanh tạc cơ Mỹ hồi tháng 8 do lo ngại nguy cơ sét đánh.

"Các tiêm kích F-35A Hà Lan dự kiến cất cánh từ căn cứ không quân Leeuwarden để hộ tống phi đội B-52 Mỹ trong đợt diễn tập Allied Sky. Tuy nhiên, nguy cơ sấm sét quá lớn khiến chúng tôi không thực hiện nội dung đó", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hà Lan Sidney Plankman tiết lộ trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước.

Bộ Quốc phòng Hà Lan cũng ra thông cáo giải thích nguyên nhân hủy nội dung diễn tập, cho rằng vấn đề nằm ở Hệ thống tạo khí trơ trên khoang (OBIGGS), được thiết kế để bơm khí nitơ vào hệ thống nhiên liệu, ngăn nguy cơ tích tụ hơi dầu và oxy dẫn đến cháy nổ.

"Một số tiêm kích F-35A Mỹ đã gặp tình trạng hỏng ống dẫn OBIGGS. Mỹ đã khuyến cáo các quốc gia vận hành F-35A tránh bay gần những trận giông sét, cũng như đưa phi cơ vào nhà chứa hoặc dựng cột thu lôi khi chúng không hoạt động. Một số chiếc F-35A Hà Lan cũng được phát hiện hỏng ống dẫn OBIGGS, nguyên nhân đang được điều tra", thông cáo có đoạn viết.

Cuộc diễn tập Allied Sky diễn ra ngày 28-8, trong đó biên đội 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52H Mỹ bay qua không phận 30 quốc gia thành viên NATO. 4 máy bay thuộc Không đoàn ném bom số 4 bay đơn lẻ trên bầu trời châu Âu, trong khi hai chiếc còn lại bay theo biên đội tại Mỹ và Canada.

Các nước NATO và đối tác đều cử tiêm kích hộ tống những chiếc B-52H. Quân đội Hà Lan khi đó cho biết nhiệm vụ của những chiếc F-35A bị đình chỉ do "thời tiết xấu".

Tiêm kích F-35 đang gặp hàng loạt vấn đề với khả năng chống sét. Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết cấu trúc composite của F-35 không có khả năng phòng chống sét thụ động như các tiêm kích đời cũ dùng vỏ kim loại.

Một số quan chức Mỹ cũng nghi ngờ độ tin cậy của OBIGGS sau khi phát hiện nhiều ống dẫn từ hệ thống này đến thùng dầu chính của tiêm kích F-35 bị hư hại hồi đầu năm nay.

Ngay cả khi OBIGGS hoạt động bình thường, vẫn còn nhiều nghi ngại về tính hiệu quả của nó, khi những chiếc F-35 không duy trì đủ lượng khí trơ trong 12 tiếng sau chuyến bay như yêu cầu.

Điều đó buộc các kỹ thuật viên phải áp dụng nhiều phương án chống sét và cháy nổ thay thế, tăng chi phí và thời gian bảo dưỡng phi cơ.

F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh.

Đây là phiên bản F-35 duy nhất được lắp pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm trong thân.

F-35A cũng là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, giúp nó có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với các mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân.

Ở chế độ tàng hình những chiếc F-35A có khả năng mang theo 2,5 tấn vũ khí bao gồm bom thông minh và các loại tên lửa.

Ở chế độ "quái thú" tức bán tàng hình, dù chỉ một động cơ như F-35A lại có thể mang vác tới 10,5 tấn vũ khí, cao hơn mức 8 tấn trên Su-35 và Su-57 của Nga.

Trước khi F-35A vào thực chiến, những chiếc F-35I của Israel cũng đã quần đảo trên bầu trời Syria.

Từ chỗ bị nghi ngờ ghẻ lạnh, F-35 đã chợt biến thành ngôi sao trên thương trường vũ khí.

Trong tập trận, F-35A từng thể hiện sự thắng áp đảo các dòng tiêm kích thế hệ thứ 4 hàng đầu thế giới như F-15E, Rafale và Typhone ở tỷ số không tưởng lên tới 18-1.

Tuy vậy việc dễ tổn thương với sét khiến cho danh tiếng của chiến đấu cơ này ảnh hưởng không ít, Mỹ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và biến F-35 thành "quái điểu" thực thụ trên không.