[ẢNH] Nga - Iran đối diện nguy cơ "trở mặt thành thù" vì vấn đề Syria

ANTD.VN - Việc Nga đề nghị chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra lệnh cho các lực lượng Iran đóng trên đất Syria rút về nước rất có thể sẽ gây ra mâu thuẫn cực lớn giữa hai đồng minh thân thiết này.

Hiện nay Nga và Iran là hai đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, giúp ông ta chống lại các nhóm phiến quân nổi dậy suốt vài năm qua.

Vai trò của cả hai đồng minh thân thiết Iran và Nga đối với Syria là cực kỳ quan trọng, khó có thể nói là đối tác nào tỏ ra "nặng ký" hơn.

Trong khi Nga cung cấp hỗ trợ về không quân, đặc nhiệm và hệ thống phòng không thì Iran cung cấp vũ khí cho Hezbollah trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của phiến quân.

Tuy rằng sự có mặt của người Nga tạo ra một đối trọng với Mỹ thông qua các căn cứ quân sự nhưng có nhiều ý kiến cho rằng Iran mới thực chất là chỗ dựa vững chắc nhất của Syria.

Lý do là bởi Nga ở xa, họ can thiệp vào cuộc nội chiến này một cách khá hạn chế và tránh đối đầu với các lực lượng vũ trang nước ngoài nhưng Iran thì lại khác hẳn.

Tehran luôn tuyên bố sẵn sàng đưa cả lực lượng bộ binh tới tham chiến trên quy mô lớn tại Syria, họ cũng cung cấp cả vũ khí và phương tiện cho các nhóm vũ trang thân hữu tiến công vào trong lãnh thổ Israel.

Chính điều này đã gây ra mâu thuẫn giữa lực lượng Nga với Iran đóng quân trên đất Syria, thậm chí xung đột ngày càng lớn có thể khiến hai đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad "trở mặt thành thù".

Nguyên nhân không còn lý do nào khác ngoài việc Nga muốn khẳng định vị thế đồng minh vững chắc và số một tại Syria.

Nga đã đặt 2 căn cứ quân sự quan trọng tại Hmeimim và Tartus và họ muốn duy trì sự hiện diện lâu dài tại đây, trở thành nhà bảo trợ chính cho chính quyền Syria.

Trong tình cảnh đó, Nga rất không muốn binh lính hay căn cứ quân sự của mình vô tình trở thành mục tiêu tấn công của quân đội nước ngoài vì bất cứ lý do gì.

Hiện nay lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cùng các nhóm vũ trang do họ bảo trợ thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc không kích do Israel tiến hành.

Nga cho thấy họ rất miễn cưỡng khi bị kéo vào cuộc xung đột này, nếu tham gia thì phải đối đầu trực diện với Israel, đứng ngoài quan sát thì bị điều tiếng rằng không bảo vệ đồng minh một cách có hiệu quả.

Ngoài ra việc những tổ hợp tên lửa phòng không do Nga sản xuất trong tay Syria liên tục bị Không quân Israel phá hủy cũng khiến Moskva không thể yên tâm vì nguy cơ ảnh hưởng tới thị phần xuất khẩu vũ khí của họ.

Với những lý do trên, mới đây Nga đã đưa ra đề nghị rằng Tổng thống Bashar al-Assad hãy ra lệnh cho các lực lượng Iran rời khỏi Syria.

Phản ứng của ông Assad là không quá nhiệt tình với quyết định này, nhưng ông sẽ phải cân nhắc khi muốn tiếp tục giữ ổn định và tránh một cuộc chiến tranh mới xảy ra ngay trên đất nước mình.

Về phía Iran, họ vẫn chưa đưa ra phản ứng cụ thể sau đề nghị trên của người Nga trước Tổng thống Syria al-Assad.

Tuy nhiên thật khó tin khi cho rằng Tehran vẫn cảm thấy bình thường với diễn biến này, thậm chí còn có nguy cơ Iran cho rằng Nga đã "đi đêm" với Israel để hất cẳng họ ra khỏi Syria.

Chính vì vậy, nguy cơ Nga - Iran "trở mặt thành thù" do xung đột quyền lợi trực tiếp tại Syria là điều có thật. Trong tình cảnh này rất cần một sự điều phối hợp lý từ nước chủ nhà để có thể làm đẹp lòng cả đôi bên.