[ẢNH] Nga "giận sôi" khi Syria cho phép Iran áp sát căn cứ Tartus và Latakia

ANTD.VN - Nga và Iran là hai quốc gia hiện đang tranh giành ảnh hưởng tại mảnh đất Syria đầy nóng bỏng, do vậy mâu thuẫn phát sinh giữa họ là điều khó lòng tránh khỏi.  

Theo các hãng thông tấn khu vực, Damascus vừa thừa nhận Iran có quyền hoạt động ở phía Tây cảng Latakia, điều này đánh dấu việc lần đầu tiên Tehran được trao chỗ đứng ở Địa Trung Hải gần căn cứ Tartus và Latakia của Nga.

Động thái trên của chính quyền Syria theo đánh giá đã làm thổi bùng lên những mâu thuẫn giữa Nga và Iran và thể hiện sự không hài lòng với việc ưu tiên trao quyền xây dựng tái thiết Syria.

Như đã biết, hiện tại Nga và Iran là hai đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tuy nhiên giữa họ không phải không tồn tại những vướng mắc khó gỡ.

Có vẻ như cả Nga và Iran đều muốn mình là "đồng minh số 1", có tiếng nói quyết định trong việc gây ảnh hưởng lên các chính sách cả đối nội lẫn đối ngoại của Syria.

Trong khi Nga mới bước chân rõ ràng vào Syria từ năm 2015 thì Iran là nước hỗ trợ tài chính cho Syria khá nhiều với gần 5 tỷ USD tín dụng, dòng tiền này có giá trị đáng kể với nền kinh tế Syria.

Vào năm 2011, Iran đã chuyển cảng Tartus thành căn cứ quân sự nhưng Nga phản đối. Moskva năm 2015 đã tới tham chiến tại Syria và sau đó triển khai hệ thống phòng thủ S-300/400 đến Latakia và mở rộng cảng Tartus.

Giới quan sát cho rằng việc Iran tới cảng Latakia chính là sự khôi phục sự hiện diện của quốc gia này ở Địa Trung Hải, nhưng dĩ nhiên như vậy cũng có nghĩa là ảnh hưởng của Nga bị giảm sút đi.

Khi thỏa thuận cho phép sử dụng cảng Latakia có hiệu lực, cánh cửa sẽ mở ra cho lộ trình hỗ trợ quân sự và kinh tế từ Iran cho đồng minh Syria và tạo ra thế đối trọng trực tiếp với Nga.

Việc Iran gần như công khai thách thức sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria được cho là bắt nguồn từ thái độ của Moskva trước những cuộc không kích mà máy bay chiến đấu Israel thực hiện.

Lúc này vẫn có một thỏa thuận ngầm giữa Nga và Israel về việc Tel Aviv sẽ thông báo cho Moskva địa điểm không kích để có thể tránh gây tổn hại đến lực lượng Nga, ở chiều ngược lại thì Nga sẽ để cho Israel gần như tự do hành động.

Điều này khiến Iran cảm thấy cực kỳ không hài lòng, họ cho rằng mình đã bị đồng minh "bán đứng", nhất là khi có thông tin cho biết Nga đã dùng biện pháp kỹ thuật để hạn chế sức mạnh các tổ hợp S-300 giao cho Syria.

Không chỉ có vậy, dưới áp lực của Israel, Nga đã nhiều lần đề nghị Tổng thống Bashar al Assad phải ra lệnh cho lực lượng Iran rút hoàn toàn về nước mà trước tiên là tránh xa khu vực miền Nam giáp với Israel.

Những mâu thuẫn giữa hai đồng minh chiến lược là Nga và Israel chắc chắc sẽ khiến cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad phải đau đầu tìm cách cân bằng lợi ích của đôi bên.

Việc cho lực lượng Iran áp sát căn cứ quân sự Nga có lẽ cũng nằm trong đường hướng trên, bởi vì nếu không có hành động này thì Moskva sẽ gần như là thế lực ảnh hưởng duy nhất trên mảnh đất Syria hiện nay.