[ẢNH] Nga điều Su-57 qua Syria, liều lĩnh quá mức hay sự toan tính chiến lược?

ANTD.VN - Hiện Nga đã cho 4 tiêm kích tàng hình Su-57 sang chiến trường Syria, đây là động thái bất ngờ trong bối cảnh loại chiến đấu cơ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Chiến trường Syria đã trở thành nơi các loại vũ khí mới nhất của Nga thực chiến lần đầu. Không thể phủ nhận nhờ cuộc chiến này nhiều loại vũ khí của Nga đã "đắt hàng như tôm tươi" như xe tăng T-90.

Nga không ngần ngại khi công bố rằng họ đã điều khoảng 400 vũ khí các loại sang chiến trường này, hình ảnh tiêm kích tàng hình Su-57 được nhìn thấy trên chiến trường Syria.

Việc điều tiêm kích tàng Su-57 sang Syria là động thái khá bất ngờ bởi đây là dòng vũ khí đỉnh cao nhất của Nga và quan trọng nhất là nó vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Thực tế cho thấy không phải loại vũ khí nào mới được điều sang Syria cũng thể hiện sức mạnh, hình ảnh sân bay quân sự Nga tại Syria.

Nếu như tiêm kích Su-35S và trực thăng Ka-52 được đánh giá cao thì cường kích hạng nặng Su-34 và trực thăng Mi-28 lại không may mắn như vậy.

Thậm chí màn thể hiện của cường kích Su-34 còn được đánh giá là khá nhạt nhòa.

Trực thăng tấn công hạng nâng Mi-28 không những không thể hiện được nhiều mà còn bị thiệt hại hai chiếc do rơi vì kỹ thuật khiến các phi công tử nạn.

Hệ thống phòng không S-400 được mong chờ nhất cũng lại bị đánh giá là hiệu năng chiến đấu còn xếp sau hệ thống Pantsir-S1 tại chiến trường Syria. Trong khi Pantsir-S1 bắn hạ hàng trăm mục tiêu các loại thì S-400 lại "im hơi lặng tiếng" mặc cho không quân Israel ra vào tấn công quân đội Syria như chốn không người.

Các máy bay chỉ huy cảnh báo A-50U cũng không đạt được kết quả như mong đợi buộc Nga phải đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo loại A-100 tân tiến hơn.

Ngoài T-90 và Su-35S, Su-30SM thành công trên cả hiệu năng thực chiến lẫn thị trường xuất khẩu thì các loại vũ khí mới của Nga có phần không đạt như kỳ vọng.

Trong khi đó tiêm kích tàng hình Su-57 vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện sau nhiều lần lùi thời gian biên chế.

Su-57 từng được kỳ vọng sẽ đi vào biên chế năm 2017 tuy nhiên cho tới nay Nga vẫn đang loay hoay trong việc phát triển được động cơ cho dòng vũ khí chủ đạo của không quân này.

Các loại động cơ mà một số nhỏ Su-57 đang sử dụng lại chính là động cơ của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.

Động cơ này không đủ lực đẩy cũng như khả năng bay hành trình mà không phải đốt nhiên liệu lần hai.

Việc phải đốt nhiên liệu lần hai khiến cho máy bay nhanh chóng bị giảm tầm bay do mất quá nhiều nhiên liệu.

Mặt khác dù có độ cơ động cao hơn hẳn dòng máy bay tàng hình của Mỹ, nhưng các chuyên gia cho rằng thời đại cận chiến quần vòng đã qua và ngày nay các cuộc đối đầu giữa các dòng tiêm kích chủ yếu diễn ra ngoài tầm nhìn.

Có nghĩa là nếu ai phát hiện ra đối phương trước người đó sẽ giành chiến thắng.

Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống radar mạng pha chủ động.

So với radar mảng pha thụ động, loại chủ động sẽ có độ nhạy phát hiện mục tiêu cao gấp nhiều lần.

Các radar của Nga thường được công bố với phạm vi phát hiện mục tiêu khá xa, có khi xa gấp đôi các loại chiến đấu cơ của Mỹ được công bố.

Tuy nhiên Nga bị cho là thường "đánh lận" các khái niệm vật thể phát hiện.

Thực tế radar của một số loại máy bay chiến đấu của Nga thường phát hiện được mục tiêu cách xa tới 400 km trong khi của Mỹ chừng hơn 200km, nhưng vật thể mà các loại radar Nga phát hiện thường là máy bay ném bom trong khi của Mỹ là các tiêm kích.

Vì vậy tầm xa phát hiện mục tiêu của máy bay Nga và Mỹ ở cùng một vật thể thì ngang bằng nhau, còn nếu so với radar mảng pha chủ động của Mỹ thì có nhỉnh hơn đôi chút.

Không thể phủ nhận tiềm lực quốc phòng của Nga cũng như nền khoa học kỹ thuật hùng mạnh thời Liên Xô để lại.

Các loại vũ khí của họ chế tạo vẫn là đối thủ đáng gờm và xứng tầm nhất hiện nay với Mỹ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga lao đao.

Trong khi đó sau khi ông Putin khôi phục lại được vị thế nước Nga từ kinh tế tới quân sự lại gấp rút yêu cầu có cái loại vũ khí có thể tương đương hoặc đánh bại sản phẩm của Mỹ.

Thời gian chế tạo một dòng vũ khí vì thế cũng rút ngắn lại.

Su-57 là một minh chứng, so với với dòng F-22 của Mỹ, thời gian phát triển của Su-57 chỉ bằng một nửa.

Chính thời gian phát triển gấp rút khiến cho dòng máy bay này mặc dù được đánh giá là có tiềm năng cực mạnh thậm chí vượt cả F-22 lại liên tục gặp trục trặc trong thử nghiệm.

Cháy động cơ thậm chí cháy cánh là những gì người ta nói về Su-57 trong quá trình thử nghiệm.

Hình ảnh chiếc Su-57 bị cháy động cơ.

Một chiếc khác bị cháy một bên cánh trong quá trình bay.

Mặt khác ngay cả đối tác Ấn Độ cùng phát triển loại máy bay này cũng lên tiếng phàn nàn.

Thậm chí quan chức quốc phòng Ấn Độ còn lên tiếng chỉ trích độ phản hồi radar của Su-57 vượt gấp nhiều lần F-35 chứ chưa nói tới F-22.

Mặc dù động cơ thế hệ mới mang tên "Sản phẩm 30" đã được Nga giới thiệu nhưng quá trình hoàn thiện nó phải sau năm 2020 mới kết thúc.

Sau khi ra mắt thì ngay lập tức một mẫu thử Su-57 đã phải hạ cánh khẩn cấp, nguyên nhân được cho là tại "Sản phẩm 30" chưa sẵn sàng.

Chưa kể hành động liều lĩnh đưa Su-57 sang Syria sẽ tạo điều kiện cho Mỹ theo dõi các tham số của loại vũ khí này.

Với hệ thống trùng điệp các khí tài điện tử, việc thăm dò tham số của Su-57 Nga không phải là chuyện khó.

Còn nhớ loại F-22 của Mỹ dù được ra mắt vào năm 1997 nhưng tới mãi năm 2005 mới được biên chế chính thức.

Và nó chỉ thực chiến sau hơn mười năm đi vào biên chế, Mỹ vẫn cho hạn chế các lần xuất kích F-22 để bảo vệ tham số của loại vũ khí chủ đạo này.

Vì vậy quyết định của Nga cho Su-57 sang Syria thực chiến có phần liều lĩnh.

Những giới quan sát không loại trừ khả năng đây chỉ là "đòn gió" của Nga trước Mỹ.

Rất có thể Nga chỉ đem vài chiếc Su-57 sang bay một vài lần để phô trương thanh thế là chính.

Điều này sẽ tạo ra tâm lý bất an cho lực lượng không quân Mỹ đặc biệt là các phi công chiến đấu của Mỹ và liên quân.

Như thế sẽ có lợi cho không quân Syria cũng như quân đội nước này trước nguy cơ bị tấn công bởi Mỹ và phương Tây.

Đồng thời Nga cũng có thể nhân cơ hội này xuất kích một số lượng hạn chế các lần bay để đo tham số chiến đấu của Su-57 từ đó kiểm tra thực tế và điều chỉnh và hoàn thiện loại máy bay chủ lực này của không quân Nga trong hiện tại và tương lai.

Mặt khác cho Su-57 thực chiến cũng sẽ tạo ra tâm lý nhìn nhận tốt hơn cho khách hàng đã và đang có ý định mua loại vũ khí này. Đây sẽ là cơ hội rất tốt cho Nga để bán Su-57 thậm chí kéo được thêm các khoản đầu tư cho Su-57 tương tự như Mỹ đã từng làm đối với F-35.