[ẢNH] Nga chê Patriot không "có cửa" trước S-300, S-400 nhưng họ lại quên một vũ khí còn hơn cả S-500

ANTD.VN - Tầm bắn xa, độ chính xác cao, cùng phương thức diệt mục tiêu có một không hai trên thế giới, đã khiến hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao (THAAD) của Mỹ, có thể lấn lướt hệ thống phòng không tầm xa S-400 thậm chí cả S-500 của Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Fomin cho rằng tên lửa Nga có thông số về mọi mặt đều vượt trội hơn so với tổ hợp Patriot của Mỹ. Tuy nhiên giới quan sát lại không cho rằng nhận định này là khách quan.

"Ai cũng biết rằng mọi tổ hợp Patriot, kể cả phiên bản PAC-3+, đều kém hơn S-300 của Nga, chứ chưa bàn đến S-400. Không có tổ hợp nào tốt hơn các tên lửa phòng không Nga về tầm bắn, số mục tiêu có thể theo dõi, tấn công cùng lúc hay vận tốc của mục tiêu. Tổ hợp của chúng tôi đánh bại Patriot PAC-3+ ở tất cả các thông số này", Sputnik ngày 25-10 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin.

Theo Fomin, các tổ hợp Patriot chỉ có thể bắn hạ mục tiêu có vận tốc 2.000 m/s, trong khi các tên lửa Nga có thể diệt mục tiêu có vận tốc 4.700 m/s. Ông lưu ý các mục tiêu có tốc độ lớn như vậy hiện chưa được phát triển và chỉ có thể xuất hiện vào những năm 2040 đến 2050.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng đây là lý do nhiều nước trên thế giới quan tâm và đặt mua tên lửa S-300, S-400 của Nga. "Mọi người đều hiểu điều này và nhận ra không hệ thống phòng không nào tốt hơn của chúng tôi", ông nói. "Họ đặt mua chúng bất chấp đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ".

Có một thực tế trớ trêu rằng hiện tại S-300, S-400 lại chưa từng tiêu diệt mục tiêu trong thực chiến. Kể cả khi Nga đã triển khai hệ thống này tại chiến trường Syria nóng bỏng thì chúng vẫn "im lìm lặng lẽ".

Trong khi đó hệ thống phòng không Patriot của Mỹ thường lại có kinh nghiệm trận mạc dày dạn hơn. Năng lực đánh chặn của hệ thống Mỹ vào khoảng 70-80%.

Chưa kể Mỹ đang có trong tay hệ thống đánh chặn tầm cao đáng sợ THAAD. Hệ thống này được coi là mạnh nhất thế giới hiện nay.

Trong khi hệ thống phòng không nguy hiểm nhất của Nga S-500 vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì đối thủ của nó - Hệ thống tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ đã đi vào giai đoạn trang bị hàng loạt.

Radar của hệ thống THAAD có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly lên tới 1.000 km, và tiêu diệt chúng ở khoảng cách 250 km.

Terminal High Altitude Area Defense THAAD (hệ thống phòng thủ giai đoạn cuối) do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo máy bay và tên lửa hành trình.

Điểm độc đáo của hệ thống này là chúng truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng của quả đạn khi tiếp xúc với mục tiêu, thay vì tiêu diệt bằng đầu nổ như các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.

Đây cũng là hệ thống đánh chặn có độ chính xác nhất hiện nay.

Phương thức tiêu diệt mục tiêu độc đáo “Hit to Kill” (truy đuổi và tiêu diệt) làm cho THAAD trở thành sát thủ của mọi mục tiêu bay khi rơi vào tầm bắn của nó.

Phương thức tiêu diệt mục tiêu tiên tiến trên cũng làm giảm đáng kể trọng lượng, giúp cho hệ thống này có thể mang nhiều đạn hơn những hệ thống cùng loại.

Mỗi xe phóng mang theo 8 đạn tên lửa nhiều gấp đôi số đạn mang theo trên xe phóng của hệ thống Patriot lẫn S-300 và S-400.

THAAD có thể phóng nhiều đạn tên lửa cùng lúc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.

Một hệ thống THAAD có thể mang đồng thời 32 đạn tên lửa và có thể bắn loạt 16 tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cùng một lúc.

Đầu tiên, một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, tiếp đến radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu.

Thông tin từ radar AN/TPY-2 sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn.

Một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu.

Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn mất khoảng 5 phút.

THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi khoảng 250-300km với độ chính xác cực cao.

Mỹ đang phát triển thêm các loại đạn mới có tầm diệt mục tiêu từ khoảng cách lên tới 450km.

THAAD được thiết kế vào năm 1987 và chính thức đi vào biên chế năm 2008.

Đạn tên lửa chỉ nặng 900kg và có chiều dài 6,1m, đường kính 34cm.

Với vận tốc Mach 8,2 đây là một trong những loại đạn tên lửa đánh chặn có tốc độ lớn nhất hiện nay.

Giá bán hệ thống THAAD là 885,6 triệu USD, chưa tính phí lắp đặt, huấn luyện, bảo trì và hạ tầng hỗ trợ.

Ngoài Mỹ còn có Qatar đã đặt mua hệ thống phòng thủ này.