[ẢNH] Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ "đi đêm" thương vụ hệ thống phòng không, S-400 Nga có nguy cơ nhận "quả đắng"?

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang đàm phán về việc mua hệ thống phòng thủ Patriot, đây là động thái bất ngờ trong bối cảnh Ankara vừa đạt được thỏa thuận bước đầu để mua hệ thống phòng thủ S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tiếp tục đàm phán về việc mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sau khi Ankara ký một thỏa thuận sơ bộ với Moscow nhằm mua các hệ thống tên lửa phòng không đất đối không S-400.

Đây được coi là động thái khá bất ngờ trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang có dấu hiệu bỏ qua những bất đồng và xích lại gần nhau hơn.

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ từng lên tiếng để mua các hệ thống phòng thủ tầm xa Patriot của Mỹ, nhưng bị từ chối.

Hình ảnh hệ thống đánh chặn Patriot của Mỹ phá hủy máy bay chiến đấu trong một cuộc bắn thử nghiệm.

Mỹ luôn bán những vũ khí của mình đi kèm với những thỏa thuận chính trị, vì vậy khi Ankara chưa đáp ứng được điều kiện Washington đưa ra, nước này sẽ không thể tiếp cận được với những vũ khí công nghệ cao của Mỹ.

Tuy nhiên bất ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ qua hệ thống Patriot cũng như hệ thống phòng không của Châu Âu để quay sang Nga nhờ sự trợ giúp.

Ngay lập tức Nga đã đồng ý bán hệ thống phòng không của mình cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Không những vậy, họ còn ưu ái bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không S-400 thay vì các hệ thống có tính năng yếu hơn như S-300.

Ngay sau khi biết được thỏa thuận, Mỹ lại đồng ý bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ Patriot, điều mà họ đã từ chối trước kia.

Công bằng mà nói, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có trong tay hệ thống Patriot sẽ có lợi hơn trong việc xây dựng mạng lưới phòng thủ.

Chưa cần so sánh S-400 hơn hay Patriot hơn, nhưng dù S-400 có tính năng hơn hẳn đi chăng nữa mà lại không được tích hợp vào mạng lưới phòng thủ của NATO, điều này sẽ gây ra những thiệt hại đáng tiếc.

NATO đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng hệ thống mạng lưới phòng thủ tối tân nhất thế giới.

Hệ thống này được cấu thành từ các vệ tinh do thám, các nguồn thông tin tình báo và hàng chục ngàn thiết bị điện tử tối tân khác. 

Điều này có nghĩa rằng, bất cứ quốc gia nào được chia sẻ cơ sở dữ liệu phòng thủ này sẽ rất có lợi.

Họ có thể phát hiện được đối phương ngay khi vừa phóng tên lửa đạn đạo hoặc các cuộc xuất kích của máy bay chiến đấu, thậm chí còn có thể phát hiện thông tin trước cả khi những loại vũ khí này bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

NATO chỉ có thể chia sẻ dữ liệu này với các hệ thống phòng không tiêu chuẩn của mình

Việc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, đương nhiên họ được chia sẻ quyền lợi trong mạng lưới phòng thủ này, nhưng với một hệ thống phòng không "ngoại lai" NATO sẽ không bao giờ chia sẻ vì sợ sẽ bị lộ thông tin.

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga đương nhiên họ sẽ không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ của NATO.

Đây là điều mà Mỹ và NATO đã cảnh báo trước.

Trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của S-400 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảm thấy đây là điều may mắn.

Tuy vậy nếu S-400 chỉ chiến đấu đơn độc một mình sẽ mất đi tính hiệu quả tối ưu, mặt khác trong thời gian thực chiến tại Syria, S-400 của Nga lại hoàn toàn "im hơi lặng tiếng" dù có nhiều lần máy bay chiến đấu đối phương tấn công quân đội Syria ngay dưới chiếc ô bảo vệ của hệ thống này.

Giải pháp tối ưu vẫn là mua được hệ thống phòng thủ của phương Tây.

Hôm 23-3, Thủ tướng Binali Yildirim xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận mua Patriot của Mỹ. 

Tuy nhiên, nguyên thủ này khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ "không mua Patriot để thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga mà Ankara đặt hàng trước đó". 

Ông Yildirim cũng lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem Mỹ là đồng minh, bất chấp những diễn biến gây căng thẳng giữa hai bên tại Syria thời gian qua.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nêu rõ: "Công việc của chúng tôi về Patriot và các hệ thống khác tương thích với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiếp tục" và lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một thành viên NATO có chung các đường biên giới với liên minh quân sự này, "phản ứng tích cực với mọi loại hình hoạt động chung" có thể duy trì an ninh của các đường biên giới của mình.

Thủ tướng Yildirim nói: "Chúng tôi không từ bỏ các hệ thống tương thích với NATO" và nhấn mạnh rằng Mỹ "vẫn là một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp những sai lầm của nước này tại khu vực Syria," ám chỉ những bất đồng giữa Ankara và Washington về việc Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là nhánh của nhóm Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Patriot PAC-3 (hay còn gọi là MIM-104F) là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot. 

Ngoại trừ hình dáng xe phóng và radar điều khiển hỏa lực, nhà sản xuất Lockheed Martin đã thiết kế lại gần như toàn bộ các hệ thống bên trong. Điểm khác biệt đầu tiên so với biến thể PAC-2 trước đó là tên lửa. 

Quả đạn tên lửa của PAC-3 được trang bị động cơ thế hệ mới điều đó cho phép đường kính của đạn thu gọn hơn so với trước.

Do kích thước tên lửa nhỏ hơn nên mỗi hộp phóng chứa được 4 tên lửa thay vì chỉ 1 tên lửa như PAC-2. 

Như vậy, mỗi xe phóng mang đến 16 quả đạn và với 4 xe phóng mỗi khẩu đổi thì tổng số đạn là 64 quả (so với 16 quả của PAC-2 trước đây). Điều này mang lại lợi thế rất lớn về mặt hỏa lực. 

Radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65 được trang bị thêm các bộ phận khuếch đại tín hiệu bằng đèn chân không TWT giúp tăng cường khả năng phát hiện, phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn. 

Hệ thống này có tầm hoạt động 100 km, với khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc từ 90-125 mục tiêu, cung cấp dữ liệu hướng dẫn tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc và có thể nhận dạng mục tiêu từ khoảng cách 35-50km.

Một tính năng quan trọng khác của PAC-3 mà PAC-2 không có là, bổ sung đầu tự dẫn radar chủ động băng tần Ka cho việc khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối. 

Việc bổ sung đầu tự dẫn này mang lại khả năng phản ứng nhanh với các mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật thay vì phải phụ thuộc vào việc khóa mục tiêu từ đài radar mặt đất.

Tên lửa PAC-3 mang lại khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật gấp 5 lần so với PAC-2. 

Bên cạnh đó Lockheed Martin đã giới thiệu gói nâng cấp PAC-3 MSE được trang bị động cơ mới mạnh hơn cùng công nghệ dẫn đường tiên tiến cho phép tăng hiệu suất của hệ thống lên 50% so với hiện tại.

Cho đến nay, nó là một trong những hệ thống phòng không được phổ biến rộng rãi nhất thế giới (sau S300 của Nga) khi có tới 16 quốc gia đang sử dụng. 

Khác với S300 chưa một lần ghi nhận thực chiến, hệ thống Patriot  đã nhiều lần tham chiến và từng ghi nhận bắn hạ các máy bay và tên lửa của đối phương. 

Với phương thức "Hit-to-Kill" để tiêu diệt mục tiêu, hệ thống này được đánh giá là có tính năng vượt trội so với S-300 của Nga vốn vẫn dùng đầu đạn nổ phá.

Việc Mỹ đồng ý bán phiên bản Patriot PAC3 cho thấy sự nhượng bộ của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặt khác nếu Thổ Nhĩ Kỳ cứ khăng khăng mua S-400 và đòi quy chế thành viên NATO là được chia sẻ vào hệ thống phòng thủ sẽ gây nhiều phiền toái cho Mỹ và phương Tây.

Vì thế giải pháp toàn vẹn vẫn là để Thổ Nhĩ Kỳ mua cả S-400 lẫn Patriot. Không loại trừ khả năng đây sẽ là cơ hội để Mỹ và NATO tiếp cận nghiên cứu hệ thống này để tìm cách đối phó.

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, mua S-400 của Nga được coi là "thương vụ đu dây thế kỷ", rõ ràng cho tới thời điểm hiện tại, Ankara là nước hưởng lợi. 

Nếu mua được Patriot, họ còn có thể gây sức ép chuyển giao công nghệ với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đòi Nga phải chuyển giao một phần công nghệ nếu họ mua S-400, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đàm phán về vấn đề này.

Một khi Nga không đồng ý, có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy bỏ thương vụ S-400. 

Trước mắt giới quan sát đang nín thở chờ xem bước đi kế tiếp của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đàm phán mua tổ hợp phòng không Patriot.

Nga cũng đang theo dõi sít sao động thái của hai nước kể trên trong thương vụ trên. Trước đó Nga đã từng tuyên bố chỉ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ bản rút gọn của S-400 và việc bảo trì định kỳ hệ thống này phải được chính người Nga tiến hành.