[Ảnh] Mỹ lo ngại “hụt hơi” trước năng lực đóng tàu hàng đầu thế giới của Trung Quốc

ANTD.VN -  Một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc “có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới” và là “quốc gia đóng tàu hàng đầu trên thế giới tính theo trọng tải”. Các chuyên gia cho rằng “năng lực đóng tàu của Bắc Kinh sẽ là một lợi thế rất lớn trong cuộc xung đột kéo dài với Mỹ”.

“Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với khoảng 350 tàu mặt nước và tàu ngầm, trong đó hơn 130 tàu chủ lực tác chiến mặt nước”, Lầu Năm Góc đánh giá trong báo cáo mới nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc

Ông Andrew Erickson, Giáo sư chiến lược tại trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ lưu ý rằng, khi Trung Quốc đóng các tàu chiến mới, hiện đại hơn thì “chất lượng ngày càng đi đôi với số lượng”

Trong số các tàu chiến mặt nước mà Trung Quốc đang chế tạo có các tàu tuần dương, khu trục hạm và tàu hộ tống giúp nâng cấp đáng kể khả năng phòng không, chống hạm và chống tàu ngầm. Họ cũng tiếp tục đóng các tàu hỗ trợ, tàu đổ bộ và tàu sân bay cho các hoạt động viễn chinh.

Chiến tranh hiện đại rất phức tạp nhưng với khả năng sản xuất tàu nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc có thể xây dựng lực lượng hoặc nhanh chóng thay thế tổn thất nếu xảy ra xung đột, giống như Mỹ đã làm trong Thế chiến II.

Nhưng hiện tại, Mỹ không còn giữ vững được năng lực đóng tàu như vậy. Một phần là do Mỹ tập trung vào việc xây dựng các tài sản hiện đại hơn tại một số nhà máy đóng tàu chuyên dụng, nhưng cũng vì Mỹ không còn là cường quốc về công nghiệp đóng tàu.

Mặc dù Hải quân Mỹ - với lực lượng chiến đấu 293 tàu - là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới, các nhà lãnh đạo quân sự đã bày tỏ lo ngại về tốc độ đóng mới tàu của Mỹ.

Tướng David Berger, chỉ huy của Thủy quân lục chiến, đánh giá gần đây rằng “việc thay thế các tàu bị mất trong chiến đấu sẽ là một vấn đề, vì các cơ sở công nghiệp của chúng ta đã bị thu hẹp, trong khi các đối thủ ngang hàng đã mở rộng năng lực đóng tàu của họ”.

“Trong một cuộc xung đột kéo dài, Mỹ sẽ thua cuộc trong cuộc chạy đua sản xuất - đảo ngược lợi thế mà chúng ta đã có trong Thế chiến II khi lần cuối cùng chúng ta chiến đấu với một đối thủ ngang hàng”, ông Berger nhấn mạnh.

Khả năng đóng tàu nhanh chóng của Trung Quốc bắt nguồn từ nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân hiện đại. Nhưng tàu của Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự mức độ hiện đại như tàu hải quân Mỹ

Giới phân tích quân sự Mỹ cho rằng, nếu xung đột, Hải quân Mỹ sẽ có những quân cờ tốt hơn, nhưng không chắc sẽ nhận được nhiều tàu mới trong suốt cuộc chiến. Nhưng Trung Quốc lại có lợi thế hơn về lực lượng tiếp viện, nghĩa là Mỹ có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Bryan Clark, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ và chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson, nói với Business Insider: “Năng lực đóng tàu của họ là một lợi thế to lớn đối với họ trong cuộc xung đột kéo dài với Mỹ”

Một dấu hỏi lớn khi nhìn vào tham vọng hải quân của Trung Quốc là năng lực bảo trì, khả năng sửa chữa các tàu bị hư hỏng trong chiến đấu. “Năng lực bảo trì không đáng kể bằng khả năng đóng tàu của họ. Bởi vì hạm đội của họ tương đối mới, không phải sửa chữa nhiều như Hải quân Mỹ”, ông Bryan Clark nhận định

Hơn nữa, khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, họ cần chi phí lớn để bảo trì tàu. Tàu đóng mới là một khoản đầu tư lớn, nhưng để các tàu ở trạng thái tốt, sẵn sàng chiến đấu cũng rất tốn kém và đắt đỏ theo thời gian

Mỹ từ lâu đã là một cường quốc hải quân hàng đầu, nhưng Hải quân Mỹ cũng gặp khó khăn về các vấn đề bảo trì. Ví dụ, một báo cáo gần đây của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ cho biết, từ năm tài chính 2015 đến 2019, 75% kế hoạch bảo dưỡng các tàu sân bay và tàu ngầm đã hoàn thành muộn

Tất nhiên, khi nói về một cuộc xung đột kéo dài mà cả hai bên đều chịu thiệt hại, kết quả cuối cùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là năng lực đóng tàu

“Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu trong xung đột mà mất tàu sân bay hoặc thứ gì đó tương tự? Đó là một điều khó chịu khi nghĩ đến. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ giải quyết tốt vấn đề, mà năng lực đóng tàu của Mỹ có lẽ không phải là mối quan tâm lớn nhất”, ông Matthew Funaiole, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói