[ẢNH] MiG-31 mang tên lửa Kinzhal lắp đầu đạn hạt nhân tuần tra biển Đen, Ukraine "lạnh gáy"

ANTD.VN - Sau khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nổ ra liên quan đến chủ quyền trên biển Azov, Không quân Nga đã gia tăng tần suất các phi vụ tuần tra sẵn sàng chiến đấu với vũ khí chiến lược.

Tên lửa siêu thanh tấn công mặt đất Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) là một trong 5 vũ khí chiến lược được Tổng thống Nga Putin giới thiệu tại thông điệp liên bang đọc hồi tháng 3/2018.

Điểm đáng chú ý của "Dao găm" nằm ở chỗ nó là vũ khí đã hoàn thành đầy đủ các bài đánh giá thử nghiệm và đưa vào thành phần trực chiến tại Quân khu phía Nam.

Phương tiện mang Kh-47M2 Kinzhal là tiêm kích MiG-31K, chiếc máy bay đã được sửa đổi khung thân để chịu được tải trọng lên tới hơn 5 tấn của quả tên lửa.

Về tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, nó thực tế chính là phiên bản phóng từ trên không sửa đổi từ tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M.

Nhưng do phóng từ trên không và yêu cầu máy bay MiG-31K phải duy trì độ cao 20.000 m cũng như vận tốc ban đầu ở mức Mach 2 mà tính năng kỹ chiến thuật của Kh-47M2 Kinzhal đã tăng vọt.

Trong khi tên lửa 9M723 chỉ đạn vận tốc Mach 7, tầm xa 500 km thì con số này ở Kh-47M2 Kinzhal lên tới Mach 10 và 2.000 km nhờ bỏ qua được giai đoạn vượt qua lực hút trái đất.

Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal cùng tiêm kích MiG-31K ngay khi đạt tình trạng sẵn sàng chiến đấu đã được Nga triển khai tại khu vực giáp biên giới với NATO và xuất hiện khi tình hình nóng bỏng nhất.

Chính vì vậy khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nổ ra và có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện, hầu hết mọi chuyên gia quân sự đều cho rằng bộ đôi MiG-31K và Kinzhal sẽ được sử dụng.

Đúng như nhận định, trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga diễn ra hôm 18/12, Bộ trưởng Sergei Shoigu đã cho biết MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal đã thực hiện 89 chuyến tuần tra trên biển Đen và biển Caspian.

Hành động này của Nga rõ ràng muốn gửi thông điệp răn đe tới Quân đội Ukraine cũng như khối quân sự NATO nếu có ý định can thiệp vào khu vực vẫn được xem là chịu ảnh hưởng của Nga.

Một điều nữa cần quan tâm đó là tên lửa Kh-47M2 Kinzhal có khả năng mang cả đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân, nhưng trong tình hình nóng thì nó thường lắp vũ khí hủy diệt.

Điều này đã có tiền lệ vào năm 2008, khi cuộc chiến với Gruzia nổ ra và cảm thấy nguy cơ NATO can thiệp, Nga đã cho chất vũ khí hạt nhân lên máy bay ném bom Tu-160 và thực hiện các chuyến tuần tra định kỳ.

Tình hình Ukraine lúc này tuy rằng chưa đến mức thành xung đột vũ trang toàn diện nhưng có lẽ cũng đã đủ nóng để Nga quyết định lắp đầu đạn hạt nhân cho "Dao găm".

Nếu những nhận định trên là chính xác, Quân đội Ukraine và cả NATO có lẽ sẽ phải cảm thấy "lạnh gáy" vì nhiều mục tiêu của họ sẽ bị hủy diệt ngay lập tức khi cuộc chiến nổ ra.

Nhưng bên cạnh đó, hành động của Nga cũng có thể dẫn tới hệ lụy mà họ chẳng hề mong muốn đó là thúc đẩy Kiev nhanh chóng quay lại với vị thế của một cường quốc hạt nhân.