[ẢNH] Lý do Khaisilk không dùng lụa tơ tằm Việt Nam vì quá đắt?

ANTD.VN - Ông chủ Khaisilk giải thích rằng sở dĩ họ nhập nguồn lụa Trung Quốc vì hàng lụa Việt Nam "không đủ". Nhưng đến làng lụa tơ tằm Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), người ta mới thấy những chiếc máy dệt tại đây chưa bao giờ ngừng chạy. Có lẽ nguồn hàng lụa tơ tằm "made in Vietnam" không phải là thứ hiếm, mà nguyên nhân khiến Khaisilk quay lưng với sản phẩm lụa trong nước xuất phát từ... giá quá cao.

Trong "cơn bão" bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam của hãng Khaisilk, nhiều người đã đặt câu hỏi: Vậy lụa Việt Nam ở đâu?

Làng lụa truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) là nơi đầu tiên người ta nghĩ đến. Ở đây liệu có còn lụa "made in Vietnam"?

Bước chân qua cổng làng Vạn Phúc, người ta có thể thấy "ngợp" trong loạt cửa hàng bán lụa. Thực tế, lụa ở những cửa hàng này không thiếu hàng "made in China", bởi họ nhập đủ loại nguồn để có giá bán khác nhau, từ bình dân tới cao cấp

Để tìm được lụa Vạn Phúc "xịn", người mua có thể phải dành thời gian để tìm hiểu, và cất công tham khảo ở ngay xưởng dệt lụa tơ tằm

Gia đình cụ Triệu Văn Mão ở làng Vạn Phúc là một trong những nhà duy trì được xưởng dệt lụa tơ tằm quy mô khá lớn tại đây. Hiện cụ Mão đã mất, nhà xưởng được giao cho con cháu

Không chỉ dệt lụa tơ tằm và trực tiếp bán, giới thiệu sản phẩm, các xưởng dệt tại làng Vạn Phúc còn là điểm tham quan thú vị đối với du khách. Vì vậy, xưởng dệt Mao Silk để cả kén tằm phía ngoài 

Khách tới xưởng có thể được tận mắt chứng kiến "tằm ăn lá dâu" như thế nào

Lâu nay, làng Vạn Phúc không còn nuôi tằm bởi không có đất trồng dâu, và cũng không có khí hậu phù hợp. Nguồn tơ tăm được nhập từ các vùng khác trên cả nước (Lập Thạch - Vĩnh Phúc, Bảo Lộc - Lâm Đồng...)

Tùy loại vải lụa tơ tằm sẽ dệt mà người ta chọn nguyên liệu tơ tằm phù hợp

Bà Nguyễn Thị Tâm (con dâu cụ Mão, chủ cơ sở Mao Silk) đang thực hiện công đoạn chính đầu tiên để "kéo" bó tơ tằm thành các cuộn nguyên liệu

Các bó tơ tằm sau khi chạy trên máy này sẽ được cuộn vào các ống nhựa để phục vụ công đoạn tiếp theo

Kết quả sau công đoạn chính đầu tiên

Công đoạn chính kế tiếp là dệt nên tấm lụa Vạn Phúc "made in Vietnam" thực sự. Các công đoạn tại đây dù có máy móc hỗ trợ song vẫn mang nặng tính thủ công, do vậy, lụa tơ tằm Vạn Phúc "xịn" có giá thành rất cao

Lụa vân là loại đặc trưng nhất của làng lụa Vạn Phúc. Bởi khác với các nơi dệt lụa trong nước, người dệt lụa Vạn Phúc dệt được hoa văn ngay trên vải, chứ không in sau khi dệt xong

Người làm nghề dệt ở Vạn Phúc rất tự hào với bí quyết "dệt hoa văn ngay trên lụa" của mình

Một mẫu lụa đẹp của làng nghề Vạn Phúc. Lụa "made in Vietnam" vẫn đang hằng ngày được sản xuất ra, nhưng có lẽ giá thành cao khiến Khaisilk nhập đồ "made in China" cho... lãi?

Sau khi dệt xong, tấm lụa tơ tằm Vạn Phúc sẽ được ngâm, nhuộm màu sắc khác nhau

Điều thú vị là những xưởng dệt lụa "chuẩn" sẽ niêm yết công khai, minh bạch loại lụa mà họ bán. Chẳng hạn mẫu vải lụa này được "pha" thêm nguyên liệu, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như giá thành "mềm" hơn để nhiều người chọn lựa

Lụa tơ tằm Vạn Phúc 100% có giá không hề "mềm" chút nào!

Chị Triệu Bích Ngọc - con gái bà Tâm - giới thiệu về một vải lụa tơ tằm của nhà mình. Ông chủ Khaisilk đã từng tới đây để biết rằng các máy dệt lụa ở Vạn Phúc vẫn đang hoạt động?