[ẢNH] Lộ diện 'sát thủ chống tăng' vừa "đả bại" tên lửa Spike của Israel tại Nam Á

ANTD.VN - Với đặc tính chiến đấu đỉnh cao, Ấn Độ đã quyết định chọn tên lửa chống tăng Nag nội địa thay thế cho dòng tên lửa diệt tăng Spike nổi tiếng của Israel mà nước này trước đó dự định đặt mua.

Ngay sau khi Ấn Độ quyết định loại bỏ thương vụ trị giá nửa tỷ USD mua tên lửa chống tăng Spike của Israel để chọn dòng tên lửa nội địa Nag, giới quan sát đã dành sự chú ý cho dòng vũ khí mới này. 

Ấn Độ là một trong số ít quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, họ không tiếc tiền để đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật quân sự bên cạnh việc mua vũ khí từ bên ngoài. 

Các dòng vũ khí do nước này phát triển luôn được đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật đỉnh cao và tên lửa chống tăng Nag là một trong số đó. 

Nag là loại tên lửa diệt tăng thế hệ thứ ba do Ấn Độ nghiên cứu và chế tạo. 

Chúng được hứa hẹn là một trong những loại tên lửa ATGM mạnh nhất thời điểm hiện tại. 

Đây là một trong số ít loại tên lửa diệt tăng dẫn đường với khả năng "bắn-quên" và có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết.

Nag có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong khoảng cách tối thiểu 3 km và tối đa lên tới 7 km nếu phóng từ mặt đất và 10km nếu phóng từ trực thăng tấn công.

Ở tầm bắn tối đa 7km, Nag có thể diệt các loại tăng hiện đại trong khi lại ngoài tầm bắn của các dòng xe tăng này. Hiện nay các loại pháo tăng chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu trên dưới 5km một chút.

Điều đặc biệt là Nag trang bị hai dầu nổ nối tiếp nhau để có thể xuyên thủng xe tăng ngay cả khi chúng lắp giáp phản ứng nổ.

Ngoài việc bắn thẳng, Nag cũng có thể hủy diệt tăng bằng cơ chế tấn công kiểu "đột nóc" như thế này. 

Việc lựa chọn tấn công từ trên xuống thẳng nóc xe tăng - nơi có giáp yếu nhất - sẽ đảm bảo hiệu năng tối đa.

Tên lửa Nag có trọng lượng tổng cộng chỉ 42 kg, chiều dài 1,9 mét và có đường kính 190mm với đầu đạn nặng 8 kg. 

Để tăng độ ổn định cho đường bay, Nag trang bị các cánh gió quanh thân tên lửa. 

Hệ thống dẫn đường của Nag cực kỳ hiện đại với đầu dò hồng ngoại ảnh nhiệt cùng với hệ thống radar chủ động tần số siêu cao. Hiện Ấn Độ đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng trước khi đi vào sản xuất loạt dòng tên lửa này.