[ẢNH] Làm theo những phong tục truyền thống đêm Giao thừa sao cho đúng?

ANTD.VN -Nhiều người quan niệm rằng, những hoạt động trong đêm giao thừa ảnh hưởng lớn tới sự may mắn, tài lộc và sức khỏe của bản thân trong năm mới. Dưới đây là một số việc theo truyền thống nên thực hiện vào đúng đêm Giao thừa.

Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ với ý nghĩa đem bỏ những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", được cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa (nguồn: VnExpress)

Cúng ai trong lễ giao thừa: Theo truyền tụng, mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời, các gia đình thường đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.

Mâm lễ giao thừa: Người ta thường cúng giao thừa tại các đình, miếu cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Các chùa cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay.

Đi lễ đình, chùa: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình. Nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm. Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm. 

Tắm lá mùi: Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới. Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. (nguồn: Lao động)

Bên cạnh đó, hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu. Nhiều người lý giải rằng, lý do là bởi lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, rau mùi còn giúp ích nhiều cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng.

Hương lộc (hái lộc): Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm vào bình hương bàn thờ nhà mình (nguồn: VTC)

Xông nhà: Thường người ta kén một người dễ vía trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và người này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. 

Thanh toán nợ nần của năm cũ: Mọi người quan niệm, mọi nợ nần của năm cũ đều phải được giải quyết trước thềm năm mới. Như vậy, khi bước sang năm mới họ sẽ không phải gánh trên vai gánh nặng nợ nần, công việc làm ăn sẽ suôn sẻ hơn.

Luôn giữ tiền trong túi vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới và rải những đồng xu xung quanh nhà. Điều này mang ý nghĩa rằng bạn luôn duy trì dòng chảy của tiền trong suốt cả năm.

Dọn dẹp nhà cửa trước giao thừa: Dọn dẹp nhà cửa có nghĩa là tẩy rửa, xóa sạch đi những tồn đọng của năm cũ để nghênh đón những điều may mắn trong năm mới. Vào đêm Giao Thừa và mùng 1 thì chổi quét nhà phải được giấu kỹ. Người ta cũng kiêng quét nhà vào ngày đầu năm để tránh việc may mắn vào nhà lại bị quét trôi đi.

Tổ chức bữa cơm tất niên: Đây là bữa cơm có sự tham dự của tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trước khi ăn, mọi nhà còn thực hiện một nghi lễ quan trọng: dâng cúng mâm cơm, mời ông bà, tổ tiên về sum họp với gia đình trong 3 ngày Tết.