[ẢNH] ‘Kỷ nguyên lỗi thời’ của xe tăng đã đến do sự truy sát của máy bay không người lái?

ANTD.VN - Việc quân đội Azerbaijan sử dụng thành công máy bay không người lái vũ trang trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi về "kỷ nguyên lỗi thời" của xe tăng trong chiến tranh hiện đại.

Cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan đã thu hút sự chú ý của tất cả những ai quan tâm đến chiến thuật chiến tranh hiện đại.

Cả hai bên đều tích cực đăng tải các tuyên bố về những thành công của họ trên chiến trường và viện dẫn số lượng xe tăng, thiết giáp của đối phương bị phá hủy, câu hỏi về tương lai của xe bọc thép trong trận chiến hiện đại đã trở thành tâm điểm chú ý.

Azerbaijan sử dụng máy bay không người lái tấn công các phương tiện bọc thép của Armenia. Do đó, ngay cả nhiều chuyên gia có uy tín cũng bắt đầu nghi ngờ về tương lai của xe tăng.

Ví dụ, Cựu tư lệnh Lục quân phía Bắc của lực lượng vũ trang Ấn Độ -Trung tướng D.S. Huda, tuyên bố: "thời đại của những trận đánh xe tăng lớn đã qua, và ngày càng có nhiều câu hỏi về việc sử dụng xe tăng trong chiến tranh hiện đại".

Thoạt nhìn, khi việc sử dụng máy bay không người lái ồ ạt bắt đầu, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh biến thành những cái bẫy chết chóc cho các tổ lái.

Nhưng chuyên gia của tạp chí Foreign Policy - ông Robert Bateman, bản thân là một cựu sĩ quan quân đội Mỹ lại nghĩ khác: giao tranh ở vùng Nagorno-Karabakh không có lý do gì để nói về "cái chết" của xe tăng trong chiến tranh hiện đại.

Chuyên gia Bateman nhấn mạnh, thành công trên chiến trường được tạo nên bởi ba yếu tố: chuẩn bị, địa hình và chiến thuật. Những tuyên bố rộng rãi về tính ưu việt của UAV so với xe bọc thép, theo tác giả người Mỹ là sai.

Để thiết lập một bức tranh chính xác về những gì đang xảy ra, người ta không nên tin hoàn toàn vào thông tin báo chí của Azerbaijan hoặc Armenia.

Trong các video do báo chí của cả hai quân đội cung cấp, liệu có thể thấy bao nhiêu xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy không phải bởi UAV mà bởi mìn chống tăng hoặc đạn thông thường?

Tất nhiên máy bay không người lái cũng gây ra thiệt hại cho kẻ thù, nhưng không nên cho rằng việc phá hủy các phương tiện bọc thép chỉ xảy ra do sử dụng những phương tiện tiên tiến này.

Ông Bateman cho rằng, các video được trình chiếu bởi cả hai phía Azerbaijan và Armenia, chỉ minh chứng cho một thực tế là cả Baku lẫn Yerevan đều không hiểu chi phí chiến tranh chỉ là một phần của chi phí đào tạo người dân sử dụng thành thạo các loại vũ khí này.

"Không bên nào nhận ra rằng ngay cả chiếc xe tăng công nghệ cao nhất cũng chỉ là đống sắt vụn trừ khi bạn có những chuyên gia được đào tạo và có kỷ luật cũng như khả năng vận hành một phương tiện như vậy", vị chuyên gia nói rõ.

Sự hiện diện của một số lượng lớn xe tăng hiện đại trông hoành tráng trong các lễ kỷ niệm không có nghĩa là đất nước sẽ có thể sử dụng chúng một cách chính xác trên chiến trường.

Ví dụ, giải đấu Tank Biathlon 2020 được tổ chức cách đây không lâu cho thấy đội xe tăng của các nước cộng hòa hậu Xô Viết, đặc biệt là các quốc gia Trung Á thua kém đáng kể so với Nga, không phải vì xe tăng mà vì khả năng chuẩn bị kém hơn.

Khi nói về đào tạo, không chỉ riêng kíp chiến đấu, chúng ta cần nói về những cấp bậc cao hơn, bao gồm những người trực tiếp chỉ huy các đơn vị xe tăng và đội hình trên chiến trường, cùng với người lập kế hoạch hoạt động trong sở chỉ huy của lực lượng mặt đất.

Như ông Bateman lưu ý, trong nhiều video từ Nagorno-Karabakh, xe tăng hoặc các loại xe bọc thép khác được xếp thành nhóm, chúng không cơ động và điều này chắc chắn dẫn đến tổn thất đáng kể.

Ngoài ra Nagorno-Karabakh không phải là nơi thuận tiện để tiến hành các trận đánh xe tăng. Địa hình như vậy đòi hỏi một cách tiếp cận khác, nhấn mạnh vào các lực lượng khác, nhưng điều này không có nghĩa là xe tăng sẽ thiếu hiệu quả ở những địa hình khác.

Tướng Ấn Độ Huda - người được nhắc đến ở trên, đã so sánh và hoàn toàn đúng khi nói về các điều kiện của Nagorno-Karabakh và Kashmir.

Ở Ladakh, các xe tăng hạng nặng của Ấn Độ cũng gặp khó khăn khi triển khai.

Ông Bateman kết luận rằng cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh không thể là bằng chứng cho "cái chết" của xe bọc thép, do máy bay không người lái hoàn toàn không làm cho xe tăng trở nên vô dụng.

"Tất cả những gì cuộc chiến này cho thấy là hai đội quân được huấn luyện kém, hành động vụng về và sức mạnh của công nghệ thông tin hiện đại, giúp tải video lên Internet nhanh chóng", vị chuyên gia nhắc lại.

Tuy nhiên có thể rút ra các kết luận khác - Mỹ và các đồng minh NATO đánh giá thấp tầm quan trọng của hệ thống phòng không quân sự.

Máy bay không người lái thực sự là một mối đe dọa, nhưng bắn hạ UAV giá rẻ có chi phí cũng rất rẻ. Các lực lượng mặt đất hiện đại, ngay cả khi không có ưu thế trên không, sẽ có thể loại bỏ mối đe dọa này.

Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, lực lượng không được đầu tư quá nhiều vào việc mua sắm “đồ chơi” mới nhất, nhưng chú trọng vào việc đào tạo nhân sự sẽ chiến thắng.