[ẢNH] Không phải Nga, lực lượng bí ẩn nào đang vận hành tổ hợp S-300 của Syria?

ANTD.VN - Khoảng thời gian vỏn vẹn 3 tháng để huấn luyện chuyển giao kỹ năng làm chủ tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 mà Nga đưa ra bị đánh giá là quá vội vàng, có thể dẫn tới việc kíp trắc thủ Syria chưa khai thác hết tiềm năng của vũ khí.  

Sau khi cấp tốc vận chuyển 3 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM cùng 300 đạn đánh chặn sang Syria, binh lính Nga được cho là đang lĩnh trách nhiệm huấn luyện kíp trắc thủ người bản địa.

Theo thông báo từ Moskva thì quá trình huấn luyện sẽ yêu cầu khoảng thời gian 3 tháng, sau đó binh lính Syria sẽ đủ năng lực tự vận hành S-300 mà không cần sự trợ giúp từ phía Nga.

Mốc thời gian trên của Nga bị nhiều chuyên gia quân sự nhận xét là quá vội vàng, do việc làm chủ một tổ hợp vũ khí cực kỳ phức tạp như S-300 thường yêu cầu phải mất hàng năm tích cực huấn luyện.

Trong tình huống cấp tốc như hiện nay thì việc "đốt cháy giai đoạn" của Nga cũng có thể hiểu được, nhưng nó dễ dẫn tới nguy cơ đó là kíp trắc thủ người Syria chưa đủ trình độ khai thác hết tính năng của vũ khí.

Trong khi đó đối thủ của họ lại là Không quân Israel, lực lượng nổi tiếng thiện chiến và nắm trong tay nhiều phương tiện tấn công đường không uy lực hàng đầu thế giới hiện nay

Chạm trán Không quân Israel chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, kể cả với những khẩu đội S-400 của Nga, do vậy càng có lý do để giới quan sát nghiêng về "cửa thắng" cho Tel Aviv khi đối đầu với Damascus.

Do vậy đã có nhiều nhận định cho rằng Syria sẽ phải trông cậy vào đồng minh trong việc vận hành giúp các tổ hợp phòng không S-300 của mình, ít nhất là vào giai đoạn đầu khi nó đi vào trực chiến.

Tuy nhiên sẽ rất khó để Damascus có thể thuyết phục Nga trợ giúp mình điều này, vì từ khi tham chiến vào năm 2015 đến nay thì Moskva luôn cố gắng tránh đối đầu Tel Aviv.

Sự kiện xảy ra đối với chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 mặc dù bị cáo buộc là do có sự tác động từ phía Israel nhưng rõ ràng máy bay chiến đấu của họ không phải là bên trực tiếp khai hỏa, cho nên Nga chưa có lý do để trực tiếp ra mặt tuyên chiến với Nhà nước Do Thái.

Trước tình hình trên, có dự đoán cho rằng Damascus sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ một đồng minh khác đã hiểu rõ về S-300 hơn họ đồng thời không ngại đối đầu với Israel, đó chính là Iran.

Mới đây cổng thông tin Debka của Israel dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết các chuyên gia Iran sẽ điều khiển những tổ hợp S-300 mà Nga chuyển giao cho Syria.

Quân đội Iran đã có kinh nghiệm vận hành S-300PMU-2, phiên bản xuất khẩu của S-300PM-2 cao cấp hơn S-300PM của Syria, cho nên họ có thể trợ giúp Damascus khai thác hết tính năng của vũ khí này.

Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Iran cũng rất muốn có cơ hội chiến đấu trực tiếp với tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel nhằm tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho chiến lược phòng thủ của họ.

Nhưng trước thông tin từ phía Israel, tướng Ismail Kausari - chỉ huy lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik của Nga đã bác bỏ hoàn toàn.

Tướng Kausari cho rằng thông tin do Israel công bố là một điều bịa đặt, Quân đội Syria đủ khả năng tự điều khiển tổ hợp S-300 của mình mà không cần tới sự trợ giúp của Tehran.

Nhưng dĩ nhiên là thực hư của sự việc sẽ cần thêm thời gian cũng như bằng chứng xác thực để chứng minh chứ không phải căn cứ vào lời nói của một số người liên quan.