[ẢNH] Khả năng sử dụng thấp, Syria sẽ chôn vùi danh tiếng S-300 Nga?

ANTD.VN - Trong quá khứ và cho tới tận hiện tại, các loại vũ khí nổi tiếng của Liên Xô - Nga từng không ít lần bị mang tiếng là tính năng yếu kém khi nằm trong tay người sử dụng là quân đội các nước Arab.

Hiện nay Nga đang gấp rút hoàn thành việc cung cấp cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 nhằm giúp đồng minh có thể bảo vệ vững chắc bầu trời trước đòn tấn công của Israel.

Cả Moskva và Damascus đều rất tự tin rằng khi S-300 chính thức đi vào hoạt động thì vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria sẽ được thiết lập và tiêm kích Israel chẳng thể nào ra vào tự do như trước đây.

Tuy nhiên liệu người Nga và Syria có tự tin quá sớm khi Israel nhiều lần tuyên bố rằng họ đã nắm được cách vượt qua S-300 của Syria và sẽ tiêu diệt nó ngay từ trong trứng nước.

Nhưng quan trọng hơn cả đó là vũ khí hiện đại thì người vận hành cũng phải có trình độ tương xứng, điều này thì đáng tiếc là Quân đội Syria từ cả quá khứ cho tới hiện tại đều tỏ ra chưa đáp ứng nổi.

Một ví dụ tiêu biểu đó là việc kíp trắc thủ tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria đã bỏ mặc cả hệ thống trên đường băng mà không có người điều khiển hay ngụy trang, dẫn tới nó bị máy bay không người lái cảm tử Harop của Israel tiêu diệt.

Cần nói thêm rằng Pantsir-S1 cũng được xem là một trong những biểu tượng của vũ khí Nga hiện đại, được đánh giá rất cao trên thị trường vũ khí thế giới, bởi vậy khi nó bị phá hủy thì uy danh sản phẩm quốc phòng Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ có các tổ hợp tên lửa phòng không tối tân như Buk-M2E, Pechora-2M... mất thiêng trước tiêm kích Israel mà một biểu tượng khác của vũ khí Liên Xô là xe tăng T-72 cũng chịu thảm cảnh tại mảnh đất Trung Đông này.

Hình ảnh phổ biến nhất trên chiến trường Syria là T-72 bị nổ tung sau khi trúng tên lửa TOW của phiến quân, khiến chúng gần như tuyệt chủng, buộc Nga phải cấp tốc mở kho dự trữ để cung cấp cho đồng minh loại T-62M kém hơn nhiều.

Đó là thời hiện đại, còn trong quá khứ, khi diễn ra các cuộc xung đột với Quân đội Israel thì liên quân Arab cũng hứng chịu những thất bại rất nặng nề cả trên bộ và trên không.

Các tiêm kích MiG-21, MiG-23, hệ thống tên lửa phòng không SA-6 và xe tăng T-62/72 của Syria, Ai Cập từng bị các vũ khí Mỹ cung cấp cho Israel hủy diệt với mức độ gần như "thảm sát".

Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ với tên lửa phòng không SA-2, xe tăng T-54... chúng ta đã lập nên những chiến công vang danh địa cầu trước cả những loại vũ khí chiến lược của người Mỹ.

Nhắc lại điều này để thấy rằng mảnh đất Trung Đông từ trước tới nay luôn là "cối xay thịt" đối với uy danh của vũ khí Liên Xô trước kia cũng như nước Nga ngày nay.

Không rõ khi có ý định giao S-300 cho Syria thì Moskva đã nhìn lại quá khứ để tự rút ra bài học cho chính mình hay chưa, vì nguy cơ này lặp lại là vô cùng cao.

Hiện tại đang có nhiều suy đoán rằng Nga sẽ không cho phép binh lính Syria được vận hành S-300 mà do chính quân nhân của mình điều khiển để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Nhưng về lâu về dài thì Moskva vẫn cần có phương án nâng cao chất lượng đội ngũ con người của Quân đội Syria chứ không phải chỉ đơn giản là cung cấp vũ khí chất lượng cao là đủ.