[ẢNH] Kalibr Nga phá thế độc tôn nhưng không tạo được sự cân bằng với Tomahawk của Mỹ

ANTD.VN - Siêu tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã có màn thực chiến khá ấn tượng tại Syria. Nó đã đánh tan thế độc quyền của Tomahawk trong việc tấn công phủ đầu, tuy vậy Kalibr vẫn không thể tạo ra sự cân bằng so với Tomahawk của Mỹ.

Trong số những vũ khí Nga triển khai tại Syria, siêu tên lửa hành trình Kalibr đáng được chú ý nhất. Sự thành công ngoài mong đợi của Kalibr khiến Mỹ mất đi thế độc quyền trong việc sử dụng tên lửa Tomahawk đánh phủ đầu và phải ngầm thán phục công nghệ tên lửa của Nga.

Việc phóng tên lửa hành trình từ các tàu chiến của Nga gây sự kinh hoàng cho khủng bố IS, không những thế nó cũng gây bất ngờ cho cả Mỹ và NATO. 

Đòn đánh phủ đầu độc quyền của Tomahawk từ đây không còn nữa.

Có thể nói rằng Kalibr ra đời đã giúp Hải quân Nga lột xác để vươn dậy mạnh mẽ sau khi Liên Xô tan rã.

Hình ảnh cho thấy đòn tấn công chính xác của tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của nhóm phiến quân khủng bố tại Syria.

Cho tới thời điểm hiện tại, Nga đã phóng hơn 100 quả tên lửa hành trình Kalibr.

Ngày 7-10-2015 các tàu Hải quân Nga ở Biển Caspian lần đầu tiên tiến hành phóng tên lửa hành trình vào vị trí khủng bố IS.

Mục tiêu của nhóm khủng bố IS tại Syria bị phá hủy.

Như vậy chỉ 3 năm sau ngày ra mắt vào năm 2012, Kalibr đã chính thức tham chiến.

Các biến thể của tên lửa hành trình Kalibr.

Chiến hạm Nga đang phóng tên lửa hành trình Kalibr.

Quả tên lửa nhanh chóng lao vút lên bầu trời và bay thẳng vào các mục tiêu đã định trước tại Syria.

Nga đã 15 lần phóng tên lửa Kalibr vào phiến quân khủng bố IS tại Deir Ezzor và nhóm thánh chiến tại Đông Ghouta.

Lần gần nhất Nga tiến hành phóng tên lửa là vào ngày 14-3-2018 khi tấn công vào trụ sở của nhóm thánh chiến Faylaq Al-Rahman và giết chết một số chỉ huy của nhóm này.

Như vậy Nga đã phóng tổng cộng 108 quả tên lửa hành trình Kalibr vào chiến trường Syria.

Tên lửa hành trình Kalibr (được NATO định danh là SS-N-30A) là vũ khí tấn công mặt đất dẫn đường chính xác được sử dụng trên các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của hải quân Nga.

Kalibr lần đầu phóng thử nghiệm từ tàu hộ vệ tên lửa Dagestan vào mùa Xuân năm 2012.

Tên lửa dài 8,9 mét, có đầu đạn nặng 450kg, có thể bay với tốc độ cận âm Mach 0,8 (980 km/h.

Cũng giống như Tomahawk, Kalibr có nhiều phiên bản với tầm bắn từ 1.500-2.500 km.

Tên lửa hành trình Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh Glonass, dẫn đường quán tính.

Ngoài ra nó còn có cả radar chủ động ARGS-14E dẫn đường cho phép tên lửa có độ chính xác rất cao.

Hệ thống dẫn đường phức tạp này giúp tên lửa bay sát mặt đất ở độ cao 50m, tự điều chỉnh đường đi dựa theo địa hình để tránh sự phát hiện của radar đối phương.

Kalibr có thể đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch dưới 3m.

Sau khi lao vọt khỏi hệ thống ống phóng, tên lửa Kalibr bay ở độ cao từ 50 – 150 m nhằm tránh sự phát hiện của radar từ các hệ thống đánh chặn của đối phương.

Khi đến gần mục tiêu tên lửa hạ độ cao xuống còn 20 m và tấn công với tốc độ siêu âm, điều này khiến việc đánh chặn nó là rất khó khăn.

Quỹ đạo đường bay tên lửa rất phức tạp với sự thay đổi cả về độ cao và hướng bay. Điều đó cho phép nó có thể tiếp cận mục tiêu từ hướng bất ngờ nhất.

Cũng giống như Tomahawk, Kalibr có thể triển khai phóng trên nhiều loại phương tiện khác nhau, từ máy bay, tàu chiến và tàu ngầm.

Xét về năng lực chiến đấu, Kalibr có thông số tương đương với tên lửa dày dạn trận mạc Tomahawk của Mỹ. Tuy nhiên dù phá được thế độc tôn của Tomahawk nhưng Nga vẫn chưa thể tạo được thế cân bằng với Mỹ.

Đầu tiên là do giá thành của Kalibr quá cao lên tới 6,5 triệu USD/quả trong khi Tomahawk chỉ dao động ở mức 1,4 triệu USD. Điều này cho thấy cùng số tiền nhưng Nga không thể có nhiều tên lửa hành trình như Mỹ.

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Nga chỉ bằng 1/14 của Mỹ khiến Nga không thể cùng lúc tung ra đòn tấn công bằng hàng ngàn quả tên lửa hành trình giống Mỹ.

Dù Kalibr cũng có khả năng triển khai trên cả chiến hạm mặt nước lẫn tàu ngầm nhưng các chiến hạm Nga lại mang được số lượng tên lửa rất ít, chẳng hạn tàu hộ vệ Dagestan thường xuyên tấn công IS cũng chỉ có thể mang theo 8 quả tên lửa hành trình Kalibr.

Các tàu ngầm của Nga thường dùng để phóng Kalibr vào Syria cũng chỉ có thể mang theo tối đa 4 quả tên lửa hành trình.

Trong khi đó tàu chiến Mỹ lại có khả năng mang theo tới 90 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Trong khi đó tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ có thể triển khai cùng lúc tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk. Nga cũng đang tích cực để đưa tên lửa hành trình Kalibr vào trang bị cho những tàu ngầm tấn công hạt nhân như Mỹ, nhưng tiến trình vẫn đang diễn ra chậm chạp.

Ngoài ra Tomahawk cũng có cả phiên bản phóng từ máy bay ném bom chiến lược, hiện Kalibr vẫn chưa được tích hợp để có thể triển khai từ máy bay ném bom.

Dù đã sử dụng nhiều lần nhưng Mỹ vẫn đang duy trì hàng chục ngàn tên lửa hành trình tấn công Tomahawk trong khi đó con số này ở Kalibr mới chỉ dao động ở mức khoảng trên dưới 300 tên lửa. (Nga được cho là mới chỉ sản xuất được khoảng gần 500 quả tên lửa Kalibr, nhưng họ đã sử dụng hơn 100 quả tại Syria).

Vì vậy trong một bối cảnh xung đột, Mỹ có thể nhanh chóng huy động một cuộc tấn công với hàng ngàn tên lửa hành trình Tomahawk cùng lúc, nhưng với Nga điều này là bất khả thi trong thời điểm hiện tại.

Ngay từ đầu các tàu chiến của Mỹ đã được thiết kế để mang theo tên lửa hành trình tầm xa như Tomahawk với cơ chế phóng thẳng đứng, trong khi đó ngoại trừ một số chiến hạm hạng nhẹ mới sản xuất và tuần dương hạm Kirov, Nga vẫn đang duy trì phần lớn chiến hạm hạng nặng từ thời Liên Xô vốn không được thiết kế cho việc phóng tên lửa hành trình theo hướng thẳng đứng như Kalibr.

Liên Xô có xu hướng lắp mỗi loại tên lửa lại được hướng dẫn bằng radar riêng. Điều này gây cho chiến hạm cồng kềnh, việc hoán cải những chiến hạm này để mang tên lửa hành trình Kalibr rất tốn kém nên Nga thường chọn phương án đóng mới chiến hạm.

Trong khi đó Mỹ có xu hướng sử dụng một hệ thống radar chung cho tất cả các loại tên lửa trên chiến hạm. Radar được lắp đặt vào khu vực thượng tầng giúp hạn chế bớt sự cồng kềnh và tạo nhiều không gian cho việc triển khai tên lửa hành trình.

Hiện nay Nga theo triết lý tích hợp radar lên hệ thống thượng tần của tàu thay vì để trên các tháp như trước kia. Điều này tạo sự đồng bộ trong hệ thống điện tử và tạo nhiều không gian cho việc triển khai các hệ thống ống phóng Kalibr, giúp tàu cùng lúc mang được nhiều số lượng tên lửa hành trình  hơn.

Tàu khu trục chống ngầm Admiral Gorshkov (417) của Nga có thiết kế với hệ thống radar được lắp đặt tại khu vực thượng tầng. Tuy nhiên Nga lại vấp phải khó khăn khi họ không được Ukraine cung cấp động cơ tuốc bin khí chiến khiến nhiều chiến hạm đóng xong nhưng vẫn phải bán tháo vì thiếu động cơ cho tàu.

Thiếu tàu chiến có khả năng mang nhiều tên lửa hành trình, vẫn chưa có tàu ngầm tấn công hạt nhân chuyên biệt mang theo tên lửa hành trình, giá cả chế tạo đắt đỏ nên dù Kalibr của Nga có phá vỡ thế độc quyền của Tomahawk, nhưng vẫn chưa thể tạo được thế cân bằng trong đòn tấn công phủ đầu như Mỹ.