[ẢNH] Hải quân Syria có thể bí mật tập kích nhóm tàu chiến Mỹ mang Tomahawk?

ANTD.VN - Trong khi các biên đội tàu chiến Mỹ trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đã áp sát bờ biển Syria để sẵn sàng phóng đạn thì thật ngạc nhiên khi chỉ thấy lực lượng phòng không nước này sẵn sàng chiến đấu, còn hải quân thì vẫn im lặng.

Sau hơn 4 tháng kể từ vụ tập kích bằng tên lửa hành trình Tomahawk từ ngoài khơi vào các mục tiêu trong lãnh thổ Syria thì một lần nữa biên đội tàu chiến Mỹ lại áp sát bờ biển nước này.

Mục đích của hành động trên không có gì khó hiểu, khi Mỹ lại tuyên bố rằng họ có thể sẽ can thiệp nếu phát hiện thấy Quân đội Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học với dân thường.

Tuy nhiên hầu hết ý kiến từ các chuyên gia quân sự đều nhận định rằng thực chất Hoa Kỳ đang muốn gây sức ép lên tổng thống Bashar al-Assad để không tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào tỉnh Idlib.

Trước nguy cơ hứng chịu cuộc tập kích mới, Quân đội Syria đã ra lệnh cho lực lượng phòng không - không quân cũng như tên lửa phòng thủ bờ biển sẵn sàng tác chiến.

Nhưng một điều gây thắc mắc đó là tại sao Hải quân Syria lại vẫn im hơi lặng tiếng trong trường hợp này, tại sao họ không lên kế hoạch sẵn sàng đáp trả đòn đánh của tàu chiến Mỹ.

Nguyên nhân thực ra rất đơn giản, nằm ở vũ khí trang bị có phần thiếu thốn và quá chênh lệch giữa Hải quân Syria so với Hải quân Mỹ hùng mạnh hơn rất nhiều.

Hải quân Syria là quân chủng bé nhỏ nhất trong lực lượng vũ trang và hầu như chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, họ được trang bị chủ yếu là xuồng tuần tra cỡ nhỏ do Iran cung cấp.

Chiến hạm có dàn hỏa lực mạnh mẽ nhất của Hải quân Syria chỉ là các tàu tên lửa tấn công nhanh Dự án 205U lớp Osa II được đóng từ thời Liên Xô đã rất cao tuổi.

Lớp chiến hạm này mặc dù có tốc độ nhanh, tín hiệu phản xạ radar rất nhỏ, có thể thực hiện đòn đánh theo kiểu "hit and run" nhưng thực tế lại chỉ ra điều này là gần như không thể.

Chiếc Osa được vũ trang với 4 tên lửa hành trình chống hạm P-15U Termit có tầm bắn chỉ 80 km, tốc độ chậm, bay hành trình cao và rất dễ gây nhiễu, nó được dự báo sẽ bị chiến hạm Mỹ phát hiện và tiêu diệt từ rất xa.

Ngoài ra hệ thống điện tử và phòng không của chiến hạm lớp Osa cũng rất đơn sơ, tầm hoạt động ngắn, khiến nó chẳng thể nào tiếp cận nhóm chiến hạm Mỹ đỗ cách xa bờ biển.

Nếu Syria cố gắng dùng tàu Osa II để giáng trả lại biên đội khu trục hạm Arleigh Burke hay tuần dương hạm Ticonderoga tối tân của Mỹ thì phải xác định rõ ràng rằng cơ hội chiến thắng của nó là con số không.

Bên cạnh chiến hạm lớp Osa, Hải quân Syria còn được trang bị một số tàu hộ vệ chống ngầm lớp Petya II/III, tuổi đời của những con tàu này cũng đã lên tới con số 50 và hệ số kỹ thuật khó lòng đảm bảo.

Chiến hạm lớp Petya lại không được trang bị tên lửa chống hạm cũng như tên lửa phòng không, nó chẳng có phương tiện nào đủ sức gây áp lực lên biên đội tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi.

Với sự chênh lệch lực lượng lớn như trên, không khó hiểu vì sao Hải quân Syria lại phải "lánh nạn" trong trường hợp này để phó thác cho phòng không và tên lửa bờ.