[ẢNH] FSA - từ đồng minh thân cận đến số phận bị Mỹ bỏ rơi đang hứng chịu hỏa lực từ Nga-Syria

ANTD.VN - Liên tiếp trong những ngày qua, lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) đã thua trận trước quân đội chính phủ Syria (SAA). FSA là một trong số những lực lượng đối lập chính tại Syria từng được Mỹ hỗ trợ, nhưng hiện nay đã bị bỏ rơi.

Cuộc tổng tấn công của quân đội chính phủ Syria vào khu vực tỉnh Daraa, phía Nam Syria đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) đang diễn ra hết sức ác liệt.

Tuy chống trả dữ dội nhưng gần như các cánh quân của FSA đang rơi vào sự thất thế.

FSA là một trong số những lực lượng đối lập chính tại Syria từng được Mỹ hỗ trợ trước khi nước này chuyển sang tập trung xây dựng lực lượng dân chủ Syria (SDF).

Lực lượng quân đội Syria tự do tập hợp những quân nhân và những người dân tìm kiếm sự dân chủ, muốn lật đổ chế độ của nhà Assad vốn tồn tại trong 4 thập kỷ mà họ coi là độc tài.

Theo chuyên gia phân tích Syria Sinan Hatahet, quân số của FSA được cho là vào khoảng 35.000, trong đó chủ yếu là binh sĩ đào ngũ từ quân đội Syria.

FSA được chia làm 27 nhóm chính, mỗi nhóm có trung bình hơn 1.000 tay súng. Ngoài ra một số nhóm nhỏ khác và các lực lượng dân quân địa phương, với quân số chỉ vài chục.

Cuộc nổi dậy ở Syria 2011–2012, do đại tá Riad Assad làm Tư lệnh đã đánh dấu lên sự hình thành của lực lượng này, quy mô ban đầu khoảng 15.000 chiến binh.

Tổ chức này lúc đầu được đặt dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Ả Rập và Phương Tây.

Trong 7 năm qua, Mỹ đã chi hàng triệu USD hỗ trợ lực lượng đối lập, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chương trình viện trợ này đã giảm đáng kể sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định dừng một chương trình của CIA vào năm 2017.

Hiện tình thế lực lượng này đang vô cùng bi đát trước sức tấn công mãnh liệt của quân đội Syria.

"Chúng tôi đang chiến đấu vì một lý tưởng chung. Dù Nga có đang hỗ trợ không kích, và những Iran, Lebanon, hay Iraq có đang điều quân yểm trợ, thì bước tiến của lực lượng thân chính phủ cũng hết sức chậm chạp và không đáng kể" - Đại tá Okaidy, tư lệnh kiêm phát ngôn viên lực lượng FSA.

Trong khi đó Lầu Năm Góc cảnh báo lực lượng đối lập Syria đừng trông chờ sự hỗ trợ khi bị quân đội chính phủ Syria và không quân Nga tấn công.

"Đừng đưa ra quyết định dựa trên giả định hoặc mong đợi rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự để hỗ trợ", Reuters ngày 24-6 dẫn thông điệp của chính quyền Mỹ đối với thủ lĩnh nhóm đối lập FSA đang kiểm soát khu vực miền nam nước này.

Lời cảnh báo được Lầu Năm Góc đưa ra trong bối cảnh các máy bay chiến đấu Nga liên tục không kích một thị trấn do phe đối lập kiểm soát, nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ Syria mở chiến dịch tấn công vào khu vực chiến lược nằm sát biên giới với Jordan và Cao nguyên Golan

Mỹ từng tuyên bố việc Nga và Syria tấn công vào khu vực giảm căng thẳng, nơi FSA hoạt động ở miền nam Syria, sẽ "gây ra những hậu quả nghiêm trọng", đồng thời khẳng định sẽ đáp trả bằng những biện pháp "cứng rắn và thích đáng".

Chính tuyên bố này khiến phe đối lập gia tăng kỳ vọng rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp quân đội Syria mở đợt tấn công toàn diện xuống khu vực tây nam. 

Thông điệp mới của Mỹ cho biết họ "hiểu những điều kiện khó khăn" mà phe đối lập đang đối mặt, nhưng khẳng định họ phải "tự mình đưa ra những giải pháp tốt nhất khi đối mặt với quân đội chính phủ".

Mỹ không ưa chính phủ của Tổng thống Assad vốn rất thân Nga. Họ cáo buộc nhà Assad duy trì chế độ độc tài tại quốc gia Trung Đông hơn 40 năm qua.

Vì thế ngay khi FSA ra đời, Mỹ đã cho cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngầm huấn luyện và chuyển giao vũ khí cho FSA.

Sau khi được CIA ngầm trợ giúp, lực lượng FSA lớn mạnh nhanh chóng.

Trong thời gian đầu thành lập, FSA liên tục giành chiến thắng trước quân chính phủ Syria, thậm chí họ còn tịch thu cả xe tăng T-90 mà Nga mới chuyển giao cho quân đội Syria.

Ngoài nguồn vũ khí được viện trợ từ phương Tây, FSA cũng thu được vô số vũ khí của quân đội Syria.

Sau khi khủng bố IS tràn vào Syria, cục diện chiến trường tại đây biến động nhanh chóng.

Nhằm tăng thêm sức mạnh để đối trọng với quân chính phủ, FSA thu nhận cả các nhóm chiến binh hồi giáo khác.

Điều này làm Mỹ không hài lòng, Washington lo ngại, những chiến binh hồi giáo cực đoan này một lúc nào đó sẽ quay lại chống họ như lực lượng hồi giáo Taliban tại Afghanistan.

Mặt khác do kết nạp quá nhiều nhóm chiến binh hồi giáo khác, FSA nảy sinh lục đục chia rẽ nội bộ.

Một số thành viên còn lén lấy vũ khí phương Tây bán cho khủng bố IS, vì vậy khả năng chiến đấu của lực lượng này giảm sút.

Nhận thấy điều này, Mỹ liền xây dựng lực lượng SDF để thay thế. Đầu năm 2017, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho CIA ngừng mọi chương trình hỗ trợ cho FSA.

Bị Mỹ ngừng hỗ trợ đã dẫn đến sức mạnh của FSA giảm sút và họ liên tục thua trận.

Hiện FSA vẫn còn là một lực lượng đáng sợ đối với quân đội chính phủ Syria. 

Ngoài số vũ khí cực lớn phương Tây chuyển giao trước đây, FSA còn được Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả Rập khác vẫn ngầm hỗ trợ.

Syria hy vọng việc đánh thẳng vào tỉnh Daraa, nơi được coi là thành trì cuối cùng của FSA sẽ giúp đánh sập lực lượng này.