[ẢNH] F-35I Israel sẽ "hủy diệt" S-300PMU-2 Iran trong cuộc tập kích chớp nhoáng?

ANTD.VN - Sự kiện Iran tuyên bố bắt đầu tăng cường làm giàu Uranium trong khi Israel tiến hành những cuộc vận động hành lang nhằm tạo lập một liên minh quân sự cho thấy nguy cơ một cuộc tấn công đường không đã sắp nổ ra.  

Trên chiến trường Syria, một cuộc đối đầu lịch sử giữa tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel với tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga đã không diễn ra như mong đợi của nhiều người.

Mặc dù có ý kiến cho rằng F-35I Adir đã qua mặt S-400, tuy nhiên phần lớn các chuyên gia quân sự đều nhận định rằng đụng độ đã không diễn ra vì Nga và Israel đều không muốn làm tổn hại đến nhau.

Nhưng với diễn biến mới nhất, nguy cơ Không quân Israel tiến hành một cuộc không kích chớp nhoáng nhằm phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran đang dần trở thành hiện thực.

Nếu điều này diễn ra, trận chiến một mất một còn và không khoan nhượng giữa F-35I Adir của Israel và S-300PMU-2 Favorit trong tay lực lượng phòng không Iran là khó tránh khỏi.

Vậy khi đối đầu trực tiếp, phần thắng sẽ nghiêng nhiều hơn về phía S-300PMU-2 Iran hay F-35I Adir của Không quân Israel?

Đầu tiên cần nói về S-300PMU-2, sức mạnh của Favorit không thua kém Triumf là bao khi nó cũng được trang bị đài nhìn vòng mọi độ cao 96L6 có tầm trinh sát 300 km, theo dõi được 100 mục tiêu các loại.

Radar hỏa lực của S-300PMU-2 là 30N6E2 làm việc trên băng tần X, tự động hoàn toàn trong thao tác phát hiện, bám bắt và có khả năng chống nhiễu cực tốt nhờ bộ vi xử lý cải tiến, tầm hoạt động của 30NE2 là 300 km, nó theo dõi 100 mục tiêu và dẫn đường cho 72 tên lửa cùng lúc.

S-300PMU-2 còn được tích hợp radar trinh sát 64N6E2 cùng trạm kiểm soát chiến đấu 54K6E2 nằm trong hệ thống chỉ huy 83M6E2 có nhiệm vụ đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất.

Tổ hợp trên có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có thể điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-300PMU-1, S-200, S-75 và S-125 giúp nâng cao vượt trội sức chiến đấu cho các hệ thống cũ.

S-300PMU-2 của Iran theo nhiều nguồn tin thì được tích hợp đạn tên lửa đánh chặn tầm xa 48N6E2 tầm bắn 195 km, trần bay 27 km, vận tốc 2.800 m/s, sử dụng cơ chế hiệu chỉnh thông qua vị trí tên lửa (Track via Missile) đủ sức bắn hạ những vật thể diện tích phản xạ radar rất nhỏ.

Trong trường hợp Không quân Israel tiến hành tập kích, chắc chắn họ sẽ sử dụng chiến thuật cho F-35 xâm nhập và ném bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II như những gì đã từng thể hiện tại Syria.

Bom GBU-39 có khả năng hành trình tới 110 km thông qua bộ cánh lượn độc đáo, nó có diện tích phản xạ radar cực nhỏ và sử dụng hệ dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh GPS cho độ chính xác rất cao.

Bộ đôi tiêm kích tàng hình F-35I Adir kết hợp với bom GBU-39 SDB II được cho là đủ khả năng vượt qua lưới lửa phòng không dày đặc của Iran.

Thêm một chi tiết nữa khiến cho nhiều chuyên gia quân sự đặt "cửa thắng" vào Israel, đó là hồi tháng 2-2018 Tel Aviv thông báo tiêm kích F-35I của họ đã thực hiện chuyến bay trinh sát xuyên không phận Syria, Iraq và Iran mà không hề bị phát hiện.

Khi xâm nhập bầu trời Iran, chiếc F-35I Adir của Israel thậm chí còn lượn nhiều vòng quanh các cơ sở hạt nhân của Tehran rồi mô phỏng thực hiện động tác tấn công sau đó mới rút lui.

Nếu thực sự những gì Israel tuyên bố là chính xác thì có thể thấy nguy cơ S-300PMU-2 bị F-35I Adir tiêu diệt là rất cao, nhưng cũng không loại trừ khả năng Iran giấu bài và chỉ tung toàn bộ sức mạnh trong một cuộc chiến thực sự.