[ẢNH] F-35I Israel phải vượt "một rừng cạm bẫy" mới đối mặt được với S-300PM Syria

ANTD.VN - Kịch bản một trận đối đầu đơn độc giữa tiêm kích tàng hình F-35I Israel với tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM Syria mặc dù rất hấp dẫn nhưng bị nhận xét là chỉ có trong phim viễn tưởng.

Trong những ngày qua, khi nói về tình hình chiến sự tại Syria thì hầu hết sự quan tâm đều tập trung vào cuộc đối đầu có thể xảy ra giữa tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel với tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM trong tay Quân đội Syria.

Kịch bản về một cuộc so tài cao thấp giữa hai vũ khí tấn công và phòng thủ hàng đầu thế giới này với rất nhiều giả thiết được đưa ra.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng nếu xảy ra tình huống đối kháng, việc hai phương tiện này đơn độc đối mặt với nhau một cách "quân tử" thì chắc chắn chỉ có trong phim viễn tưởng.

Trong đội hình phòng không liên hợp, các tổ hợp tên lửa bao giờ cũng liên kết chặt chẽ với nhau trong đó phần lõi là một hệ thống tầm xa cực mạnh, đây chính là vị trí của S-300PM.

Trong khi đó đảm nhiệm vai trò phòng thủ vòng ngoài sẽ là các tổ hợp S-200 Angara, Buk-M2E, Pechora-2M để đảm bảo lấp kín các cự ly cũng như góc khuất mà radar của S-300 không thể bao quát hết được.

Ngoài ra đứng cạnh S-300 để đảm nhiệm vai trò cận vệ của nó sẽ là các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1, chúng sẽ lĩnh trách nhiệm đánh chặn những máy bay hay tên lửa nào bí mật vượt qua các lớp phòng thủ bên ngoài.

Đối đầu với hệ thống phòng không đa tầng trên, tiêm kích F-35I Adir của Không quân Israel sẽ chẳng thể nào áp dụng chiến thuật bắn tên lửa hành trình tầm xa được.

Nếu sử dụng cách thức tấn công như trên, F-35I Adir sẽ chẳng khác gì F-15I Ra'am hoặc F-16I Sufa, điều này sẽ làm cho nó trở nên "mất giá" khi không tận dụng được tính năng tàng hình.

Cách thức tấn công phù hợp nhất đối với F-35I vẫn là tận dụng khả năng tán xạ sóng radar rất tốt và khả năng bay thấp bám địa hình của mình để bí mật xâm nhập trận địa S-300 rồi ném bom GBU-39 SDB II.

Nếu vậy, trên đường tiếp cận mục tiêu thì F-35I Adir sẽ phải tính toán làm sao có thể vượt qua cả một rừng cạm bẫy mà phòng không Syria đã giăng sẵn để đón chờ.

Dĩ nhiên khi đó F-35I Adir cũng không thể chỉ dựa vào năng lực của riêng mình mà tác chiến một cách độc lập và lẻ loi, bởi vì như vậy nguy cơ bị tiêu diệt là khá cao, hoặc chí ít cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo.

F-35I Adir chắc chắn sẽ cần sự hỗ trợ thêm của các tiêm kích thế hệ 4 như F-15I và F-16I trong việc quấy phá, làm mất tập trung lưới lửa phòng không Syria.

Có thể dự đoán rằng các chiến đấu cơ trên của Không quân Israel sẽ thực hiện chiến thuật cũ đó là bay cao và thả đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm Delilah hoặc Popeye Turbo kết hợp cùng tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD.

Khi đó, các tổ hợp phòng không Syria chắc chắn sẽ phải phân chia lực lượng để đánh trả đợt oanh kích lớn trên và chẳng thể nào dồn toàn lực cho việc canh chừng F-15I được.

Với tình hình như trên, mặc dù giữ vị trí chủ lực vẫn là F-35I và S-300PM nhưng hai phương tiện này sẽ không có cơ hội đối đầu với nhau một cách rõ ràng mà còn phải phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng hỗ trợ.

Thắng lợi khi đó sẽ đến với bên nào xây dựng được hình thức chiến thuật tinh vi và hiệu quả hơn.