[ẢNH] F-35A Nhật Bản buộc phải hạ độ cao tránh máy bay Mỹ trước khi đâm xuống biển

ANTD.VN - Phi công Nhật Bản nhận lệnh hạ độ cao để tạo khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ, sau đó mất phương hướng và đâm xuống biển.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) hôm qua công bố báo cáo phân tích dữ liệu radar và liên lạc trong vụ siêu tiêm kích F-35A đâm xuống biển trước đó hai tháng khiến thiếu tá phi công Akinori Hosomi thiệt mạng.

Theo báo cáo của JASDF, biên đội 4 chiếc F-35A cất cánh lúc 19h25 ngày 9/4 để huấn luyện tác chiến ban đêm trên biển. 

Trong quá trình tập, tiêm kích F-35A số hiệu 79-8705 của phi công Hosomi nhận lệnh hạ độ cao từ chỉ huy mặt đất để tạo khoảng cách an toàn với một phi cơ Mỹ xuất hiện gần đó. JASDF không cho biết đó là máy bay quân sự hay dân dụng.

Phi công Hosomi sau đó giảm độ cao từ 9.600 m xuống còn 4.700 m và nhận thêm chỉ thị từ mặt đất khi đang bay với tốc độ 900 km/h. 

Chiếc F-35A bắt đầu nghiêng trái và tiếp tục hạ độ cao trong 15 giây, sau đó biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao 300 m so với mặt biển, cách căn cứ không quân Misawa khoảng 135 km

Tiêm kích F-35A đâm xuống biển với tốc độ ít nhất là 1.100 km/h.

 JASDF cho biết phi công Hosomi đã bình tĩnh thông báo "đình chỉ bài tập" ngay sau khi máy bay nghiêng trái, cho thấy khả năng chiếc F-35A bị trục trặc kỹ thuật hay phi công bất tỉnh là "cực kỳ thấp".

"Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng phi công đã mất định hướng không gian và không nhận thức được tình trạng của mình. Sự cố này có thể tác động đến mọi phi công, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm nhất", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya hôm qua phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo.

Ông Iwaya cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường huấn luyện khả năng đối phó với tình trạng mất phương hướng cho các phi công, kiểm tra lại toàn bộ phi đội F-35A trước khi cho phép dòng tiêm kích này hoạt động trở lại.

Được biết, Nhật Bản đã âm thầm nhận 13/150 chiếc F-35 mà nước này đặt mua từ Mỹ. Si với các quốc gia khác, Nhật Bản và Israel là một trong số ít những nước được Mỹ ưu ái chuyển giao tiêm kích tàng hình này sớm.

Với việc sở hữu phi đội tiêm kích tàng hình 13 chiếc F-35, không quân Nhật Bản được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất Châu Á.

Dù hiến pháp nước này cấm thành lập quân đội kể từ sau Thế chiến thứ 2, tuy vậy lực lượng phòng vệ Nhật Bản lại được đầu tư ngân sách rất mạnh.

Năng lực tác chiến của lực lượng này luôn đứng trong tốp đầu Châu Á.

Trước đó Nhật Bản từng ngỏ ý mua tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, tuy nhiên Mỹ đã từ chối và chào hàng tiêm kích F-35.

Hiện Nhật Bản đang chọn mua phiên bản F-35A, tuy nhiên họ đang dự tính đặt mua thêm phiên bản F-35B để trang bị trên các tàu đổ bộ tấn công của mình.

F-35 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, cùng với F-22 chúng là những chiếc máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất đã bước vào hoạt động. Những đại diện của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện.

F-35 được coi là xương sống trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của Mỹ nhờ cơ chế tàng hình tiên tiến.

Tiêm kích tàng hình này còn thể hiện sự lợi hại với khả năng tiếp liệu trên không, giúp mở rộng tối đa phạm vi hoạt động.

Mặc dù bị nhiều tai tiếng, nhưng những kiểm nghiệm tập trận cho thấy F-35 là những chiến đấu cơ đáng sợ và có năng lực chiến đấu tuyệt vời.

Đối đầu với những tiêm kích thế kệ thứ 4 nổi tiếng như F-15 của Mỹ, Rafale của Pháp và Typhoon của Châu Âu, F-35 thường thắng ở thế áp đảo.