[ẢNH] F-35 qua mặt S-400 để đánh quân đội Syria làm Nga choáng váng?

ANTD.VN - Không phải Mỹ mà Israel mới là quốc gia đầu tiên cho "chiến thần" F-35 thực chiến. Việc Israel xác nhận dùng tiêm kích tàng hình F-35I (phiên bản F-35 dành riêng cho Israel) để tấn công Syria đã làm không ít nhà bình luận quân sự bất ngờ bởi ngay cả hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga cũng không hề hay biết.

Thông thường các cuộc tấn công của phương Tây hay Israel vào Syria đều được Nga báo cáo chi tiết ngay sau đó. Thậm chí họ còn có thể báo gần chính xác số lượng vũ khí và chủng loại được sử dụng để tấn công.

Tuy vậy các báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga lại chưa một lần đề cập đến sự xuất hiện của tiêm kích tàng hình F-35 của Israel tham gia các vụ tấn công vào Syria.

Trong khi đó phía Israel đã lên tiếng xác nhận rằng họ đã dùng loại máy bay tàng hình tối tân này để tấn công vào Syria.

Hôm 22-5, Tư lệnh Không quân Israel Amikam Norkin tuyên bố rằng: "Các tiêm kích F-35I đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu và tham gia nhiệm vụ tác chiến. Chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa máy bay F-35 vào thực chiến".

Tướng Norkin cho biết thêm, tiêm kích tàng hình F-35I không tham gia nhiệm vụ không kích Syria hôm 8-5, nhưng đã tham chiến tại quốc gia này trong hai đợt tấn công trước đó. 

Ông không tiết lộ nhiệm vụ của F-35I trong các cuộc không kích này, cũng như mục tiêu mà chúng nhắm vào.

Cùng với việc xác nhận đưa F-35I vào thực chiến tại Syria, vị tướng này còn khẳng định rằng, không cần dùng đến tiêm kích tàng hình F-35I, không quân nước này vẫn đủ năng lực khiến hệ thống phòng không Syria hoàn toàn bị động.

Dù tướng Norkin không tiết lộ gì thêm về những lần xâm nhập không phận Syria của F-35I nhưng Hãng Al-Jarida của Kuwaiti dẫn nguồn tin từ Không quân Israel (IAF) cho biết, hai chiếc F-35I của Israel đã nhiều lần bay vào không phận Syria và Iran trong thời gian qua.

IAF cho biết rằng, hai phi cơ tàng hình đã bay qua không phận Syria và Iraq tới Iran và thậm chí nhắm tới các địa điểm ở các thành phố Iran Bandar Abbas, Esfahan và Shiraz.

Đặc biệt, hai chiếc F-35I này bay vòng quanh vị trí trên những khu vực bị nghi là liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. 

Sau đó, chúng đã quay về Israel mà không bị bất cứ hệ thống radar phòng không nào phát hiện, kể cả radar của Nga triển khai tại Syria.

Không chỉ dừng lại ở đó, IAF còn khiến các nước láng giềng có lý dó để lo lắng hơn nữa khi IAF còn cho biết thêm rằng, trong thời gian qua có 7 chiếc F-35I đã tiến hành một số nhiệm vụ tại Syria và biên giới Lebanon-Syria mà không hề bị phát hiện.

Theo nhận định của Al-Jarida, việc F-35I có thể âm thầm hoạt động trước sự bất lực của những đài radar tối tân trong khu vực hoàn toàn không phải là chuyện bất ngờ bởi chúng được trang bị những công nghệ tối tân bậc nhất trên thế giới.

Nguồn tin này cho biết, một trong những công nghệ then chốt trên F-35I là công nghệ tàng hình cùng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) do Israel phát triển, với khả năng lấy dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay.

Từ đó, hệ thống C4I chuyển thông tin cho các khí tài khác, đặc biệt là các tiêm kích, thông qua đường truyền dữ liệu để giúp phát hiện, nhận dạng và tấn công các mục tiêu của đối phương.

F-35I Adir là biến thể dành riêng cho Israel được phát triển dựa trên tiêm kích tàng hình F-35 Lightning của Mỹ.

Ngoài hệ thống điện tử có chút khác biệt để phù hợp với điều kiện tác chiến của Israel thì hầu như F-35I Adir không có mấy khác biệt so với phiên bản F-35A Lightning.

Israel chỉ lựa chọn phiên bản F-35A và dự tính sẽ mua tới 75 chiếc.

Dù đã có những thông tin rò rỉ trước đó cho rằng có thể Israel đã sử dụng F-35I để vượt qua hệ thống phòng không dày đặc của Nga tại Syria, tuy nhiên phía Tel Aviv không xác nhận và Nga cũng không hề thông báo.

Vì vậy có thể nói rằng sau khi phía Israel xác nhận F-35I đã nhiều lần bay vào Syria, nó đã vượt qua được các hệ thống radar kể cả của S-400 tại đây.

Việc F-35I vượt qua được hệ thống quan sát từ radar S-400 không khỏi gây sốc cho một số nhà quan sát quân sự.

Nga đã từng tuyên bố hệ thống S-400 của họ hoàn toàn có thể phát hiện và tiêu diệt các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Tuy nhiên để F-35I ra vào không phận Syria mà không hay biết sẽ ít nhiều ảnh hưởng lớn tới danh tiếng của hệ thống này.

Hiện tại tiêm kích tàng hình F-35 đang nổi lên như một ngôi sao sáng trong làng chiến đấu cơ thế giới.

Loại máy bay "nhiều tài lắm tật" này từng dính không ít lùm xùm trong việc phát triển, nhưng tính năng chiến đấu đỉnh cao được thể hiện qua những cuộc tập trận và thực chiến mới nhất cho thấy đây là một trong những tiêm kích mạnh nhất thế giới.

F-35 Lightning II là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 được đưa vào thực chiến sau tiêm kích F-22 Raptor, cũng của Mỹ.

F-35 được phát triển thành ba phiên bản khác nhau.

F-35A là phiên bản tiêm kích đa năng được trang bị cho Mỹ và các quốc gia đồng minh. Đây là phiên bản được sản xuất nhiều nhất.

F-35B là phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Đây là phiên bản độc đáo nhưng cũng tốn kém nhất của F-35.

F-35B có thể triển khai tại những vùng đang có chiến sự ác liệt, ngay cả khi đường băng bị đánh phá nặng nề.

Ngoài ra với tính năng độc đáo có thể cất và hạ cánh thẳng đứng, cho phép F-35B có thể triển khai ngay trên cả các tàu đổ bộ trực thăng. Điều này sẽ hiện thực hóa giấc mơ của những quốc gia muốn nhanh chóng có tàu sân bay đúng nghĩa.

F-35C được thiết kế dành riêng để hoạt động trên tàu sân bay.

Phiên bản này được thiết kế cánh lớn hơn, bộ càng đáp khỏe hơn và hệ thống cánh có thể gập gọn lại để đỡ chiếm diện tích trên tàu sân bay.

Ngoài Israel còn có Anh, Hà Lan, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đặt hàng loại tiêm kích đáng sợ này.

Dù F-35 có sức mạnh chiến đấu thua kém F-22 nhưng nó lại là loại máy bay có số lượng sản xuất cực lớn.

Nếu như F-22 chỉ có 178 chiếc được sản xuất thì số lượng F-35 được dự định sản xuất lên tới gần 3.000 chiếc. 

Trong số những quốc gia sở hữu F-35 không ít là nước là đối thủ tiềm tàng của Nga. Nếu thực sự S-400 không thể phát hiện ra F-35 thì đây là một trong những điều đáng lo ngại của nước này.

Khi không phát hiện ra được F-35 đồng nghĩa với việc loại vũ khí này có thể tự do ra vào không phận và tấn công các mục tiêu tùy ý.

Cũng có thông tin cho rằng có thể Nga và Israel đã có những thỏa thuận riêng tại Syria. Bằng chứng cho thấy là Nga được phía Israel cung cấp một số thông tin trước các cuộc tấn công vào Syria, điều này chính phía Tel Aviv đã xác nhận.

Tuy vậy không có nghĩa rằng họ sẽ cung cấp chi tiết các vũ khí sẽ sử dụng cho phía Nga. 

Việc Nga không nêu tên F-35 trong số các vũ khí của Israel tấn công vào Syria có thể họ đã không phát hiện ra được loại máy bay này.

Rất có thể đây là điều khiến Tổng thống Putin đã ra lệnh nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để sớm biên chế hệ thống phòng không tối tân S-500.

Một khi hệ thống S-500 vào biên chế không loại trừ khả năng chúng sẽ sang chiến trường Syria thử lửa.

Đây là điều mà Nga vẫn làm trong mấy năm trở lại đây. Cho thực chiến sẽ giúp Nga hoàn thiện tính năng chiến đấu cho vũ khí của mình.

Một khi S-500 xung trận, các chiến đấu cơ tàng hình do Mỹ sản xuất sẽ hết cơ hội tung hoành tại những nơi được hệ thống này bảo vệ.