[ẢNH] F-35 Lightning II trúng thầu đơn hàng với số lượng khiến Su-57 phải "ngước nhìn"

ANTD.VN - Trong khi tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga mới chỉ nhận được hợp đồng sản xuất loạt với vỏn vẹn 12 chiếc thì "chiến đấu cơ đầy lỗi" F-35 Lightning II lại liên tục thắng lớn.

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Tập đoàn Lockheed Martin vừa được trao một thỏa thuận hợp đồng trị giá 22,7 tỷ USD cho việc chế tạo 255 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II.

Dự kiến trong số này sẽ có 106 tiêm kích F-35 thuộc biên chế Quân đội Mỹ, trong đó 64 chiếc F-35A cho Không quân, 26 máy bay F-35B cho Thủy quân Lục chiến và 16 chiếc F-35C để trang bị cho Không quân Hải quân.

Bên cạnh đó còn có 89 máy bay F-35 khác được sản xuất cho các đơn vị không thuộc Bộ Quốc phòng (có thể là Vệ binh quốc gia), bao gồm 71 F-35A và 18 F-35B.

Cuối cùng là 60 tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II khác dành cho các khách hàng nước ngoài, chúng đều là phiên bản cất hạ cánh thông thường F-35A của Không quân.

Được biết thời hạn hoàn thành hợp đồng trên là vào tháng 3/2023, tính đến thời điểm hiện tại Tập đoàn Lockheed Martin đã bàn giao 280 chiếc F-35 các phiên bản, đào tạo 580 phi công và 5.600 thợ kỹ thuật, tổng số giờ bay của toàn bộ phi đội F-35 đã vượt qua con số 13.000.

Tập đoàn Lockheed Martin tự tin khẳng định rằng chiến đấu cơ thế hệ 5 là cỗ máy chiến tranh tinh vi nhất ở trên bầu trời trong những năm đầu thế kỷ 21, thậm chí còn có một số điểm vượt trội F-22 Raptor.

F-35 được trang bị hệ thống điện tử hàng không cực kỳ tinh vi và vũ khí mạnh mẽ, có thể đảm nhiệm tốt mọi vai trò từ tiêm kích chiếm ưu thế trên không cho tới cường kích tấn công mặt đất, mặt biển.

Không chỉ là máy bay chiến đấu, F-35 Lightning II còn có chức năng thu thập, tổng hợp, đánh giá và chia sẻ dữ liệu để nâng cao hiệu quả tác chiến theo biên đội. 

Mặc dù hiện tại xung quanh F-35 vẫn còn vô số thông tin tiêu cực về những lỗi phát sinh, tuy nhiên theo đánh giá thì đây chỉ là sự nói quá và không loại trừ có tác động từ bên ngoài với dụng ý xấu.

Nếu thực sự F-35 Lightning II là một chiếc tiêm kích tồi tệ và tàn phá ngân sách của Mỹ đến vậy thì đối thủ của Washington có lẽ đã ca ngợi nó lên mây để mong Quân đội Mỹ tiếp nhận thêm nhiều "chiến đấu cơ vô dụng".

Những lời chê bai F-35 và lo ngại thay cho dân chúng Mỹ về sự lãng phí tiền thuế, rồi khuyến cáo nên chấm dứt chương trình chế tạo càng thể hiện rõ sự lo ngại của các đối thủ về phương tiện đặc biệt này.

Lỗi kỹ thuật phát sinh trên F-35 chủ yếu thuộc về phần mềm, hiện tại trong hàng triệu dòng lệnh của F-35 thì trung bình vài nghìn dòng mới xuất hiện sai sót, đây là tỷ lệ cực thấp.

Việc sửa lỗi phần mềm cho F-35 cũng cực kỳ đơn giản so với những lỗi phần cứng đang được nhìn thấy trên chiếc Su-57 của Nga hay J-20 của Trung Quốc như động cơ hay khoang vũ khí.

Việc những cường quốc quân sự và kinh tế hàng đầu thế giới liên tục đặt mua F-35 sau khi đánh giá kỹ lưỡng chính là lời khẳng định về tính năng cực kỳ ưu việt của nó.

Hiện tại chưa biết đến bao giờ chiếc Su-57 của Nga mới thực sự hoàn thiện để được sản xuất với số lượng lớn như F-35, ngoài 12 máy bay thuộc lô chế tạo đầu tiên và chưa có kế hoạch cho lô thứ hai.