[ẢNH] F-35 Israel có thực sự bị trúng tên lửa trên bầu trời Syria?

ANTD.VN - Câu hỏi có hay không việc tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel bị tên lửa phòng không S-200 bắn bị thương trên bầu trời Syria vẫn gây đau đầu giới chuyên môn.

Từ tháng 12/2016 đến cuối năm 2020, không quân Israel (IAF) nhận được 18 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35I Adir trong tổng số 50 chiếc đã đặt hàng.

Nhưng vào năm 2017, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng một trong những chiếc tiêm kích tàng hình này đã bị trúng tên lửa phòng không S-200 trên bầu trời Syria. Ấn bản Ấn Độ EurAsian Times đã cố gắng tìm hiểu xem điều này có thực sự xảy ra hay không.

"Theo thông tin có được, phòng không Syria đã sử dụng tên lửa S-200 chống lại máy bay Israel", hãng tin SouthFront viết như trên vào thời điểm xảy ra sự kiện.

Đồng thời, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố rằng một tên lửa từ Syria thực sự đã được sử dụng để chống lại máy bay của họ, nhưng không trúng đích. Tuy nhiên, phía Israel không nói rõ họ sử dụng loại máy bay nào cho "chuyến bay thường lệ" qua Lebanon.

"Sau đó, theo IDF, bốn loạt đạn đã được bắn vào khẩu đội phòng không của Syria, khiến nó bị hư hại nặng đến mức không còn hoạt động được nữa", tờ Haaretz của Israel cho biết.

"Một số tên lửa từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng (Cao nguyên Golan) đã bắn trúng vị trí của quân đội Syria gần Damascus, gây ra thiệt hại vật chất", thông báo của truyền thông Syria, xác nhận cuộc tấn công từ phía Israel.

Đồng thời, quân đội Syria cho biết thêm, không quân Israel đã xâm phạm không phận nước này ở biên giới theo hướng giáp với Lebanon, ở khu vực Baalbek, nên đã có phản ứng tương xứng.

"Các loại vũ khí phòng không đã đánh trực diện vào một chiếc tiêm kích, buộc địch phải rút lui", báo chí Syria nói rõ, nhưng cũng không cho biết về chủng loại máy bay.

Điều này mâu thuẫn với tuyên bố của Tel Aviv rằng không có một máy bay nào bị bắn trúng. Sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi vụ việc là "không thể chấp nhận được", nhấn mạnh rằng "nếu ai đó cố gắng làm hại chúng tôi, chúng tôi sẽ trả đũa".

Hơn nữa, sự kiện này diễn ra cùng ngày khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đang có chuyến thăm Tel Aviv. Điều đó làm dấy lên tin đồn rằng thất bại của không quân Israel là sự phô trương sức mạnh của liên minh Nga - Iran - Syria.

Cùng ngày, truyền thông Israel thông báo, một chiếc F-35 của không quân Israel đã bị một con chim làm hỏng. Hơn nữa, vụ tai nạn được cho là xảy ra hai tuần trước các sự kiện trên. Nhà chức trách ngay lập tức thông báo cho nhà sản xuất Lockheed Martin.

"Trước khi tiêm kích F-35 hạ cánh theo kế hoạch, hai vụ hư hỏng đối với thân máy bay đã được ghi nhận do va chạm với chim", đại diện của IDF cho biết.

"Máy bay đã hạ cánh bình thường tại căn cứ và được gửi đi bảo dưỡng, theo thông lệ sau những trường hợp như vậy. F-35 sẽ được sử dụng và quay trở lại bầu trời trong những ngày tới", đại diện của IDF tuyên bố.

Tuy vậy truyền thông khu vực lưu ý rằng Israel đã không công bố các bức ảnh của F-35 sau khi bị hư hỏng được cho là "do chim" diễn ra. Đồng thời, ấn bản The Drive của Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng IDF sẽ không còn sử dụng máy bay này trong các nhiệm vụ chiến đấu ở Syria.

F-35 là một chủ đề mua sắm đặc biệt nhạy cảm đối với chính phủ Israel, vì vậy thông tin về quá trình chiến đấu của chúng sẽ vẫn được bảo mật.

Ngoài nghi vấn F-35I Adir bị tên lửa phòng không S-200 Syria bắn trúng thì còn bằng chứng khác cho thấy nó đã tiến sâu vào đất Syria mà không bị phát hiện, đó là việc mảnh bom GBU-39 SDB được tìm thấy trong đống nổ nát, cho thấy đây vẫn là vũ khí cực kỳ đáng gờm.