[ẢNH] EU cảnh báo đáp trả "hành động đe dọa" của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải

ANTD.VN - Những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Síp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đã khiến cho liên minh châu Âu (EU) phải chính thức vào cuộc nhằm "hạ nhiệt" tình hình.

Liên minh châu Âu xác nhận rằng, họ coi hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải thuộc Cộng hòa Síp là bất hợp pháp, cam kết sẽ có hành động cứng rắn nếu Ankara vẫn tiếp tục.

Ông Joseph Borrell - phát ngôn viên của Cao ủy An ninh và Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu nói rằng, các tổ chức và các quốc gia thành viên sẽ giám sát chặt chẽ và theo dõi mọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Quan điểm của chúng tôi không thay đổi, vẫn tin rằng những hành động này là bất hợp pháp và khiến nhiều người cảm thấy lo ngại", ông Peter Stano, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và Chính sách An ninh cho biết trong một tuyên bố.

Ông Stano khẳng định, liên minh EU bày tỏ sự đoàn kết đầy đủ đối với Cộng hòa Síp - quốc gia thành viên của khối, trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của mình.

Vị quan chức trên nhấn mạnh rằng các hành động bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ chính là trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra ở các cấp độ khác nhau. 

Ông Stano kể lại rằng vào tháng 11/2019, EU đã thiết lập khung pháp lý cho các biện pháp hạn chế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chính thức áp dụng vào tháng 2/2020 bằng các lệnh trừng phạt đối với những đơn vị và cá nhân có liên quan.

Quan chức Liên minh châu Âu nhấn mạnh: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục những gì họ đang làm, chúng tôi sẽ đáp trả và hành động trong khuôn khổ mà chúng tôi đặt ra".

Tuyên bố này được đưa ra để phản ứng trước việc nối lại hoạt động khoan và thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là trong khu vực đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Síp.

Hôm 16/4, một con tàu thăm dò dầu khí khổng lồ của Ankara đã tiến qua eo biển Canakkale (Dardanelles) ở Tây Bắc nước này trong sự bảo vệ của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Cần nhắc lại rằng đảo Síp đã bị chia làm hai kể từ cuộc xâm chiếm phần phía Bắc do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vào năm 1974, để đáp trả cuộc đảo chính của người Síp gốc Hy Lạp chống lại người thiểu số Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1983, các thế lực ly khai ở phía Bắc hòn đảo đã tuyên bố độc lập và thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp, nhưng hiện tại chỉ có Ankara công nhận chính quyền này.

Với việc công nhận Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp, Ankara tuyên bố rằng họ có quyền đối với các hòn đảo xung quanh khu vực do hai quốc gia EU là Cộng hòa Síp và Hy Lạp kiểm soát.

Căng thẳng giữa Hy Lạp và Cộng hòa Síp với Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang lên cấp độ cao hơn sau khi các mỏ khí đầu tiên được phát hiện ngoài khơi đảo Síp vào năm 2011.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng Ankara sẽ tiếp tục thực hiện việc khoan thăm dò khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Cộng hòa Síp.

Trong khi đó Nicosia yêu cầu Ankara ngừng "vi phạm luật pháp quốc tế" và kêu gọi EU cũng như cộng đồng quốc tế ngăn chặn "hoạt động bất hợp pháp" của chính quyền Erdogan, từ đó dẫn tới hành động kể trên từ EU.