[ẢNH] Động cơ Saturn AL-41, cứu cánh hiện tại của loạt tiêm kích Nga

ANTD.VN -  Saturn AL-41 là biến thể nâng cấp sâu rộng của dòng động cơ AL-31 được phát triển vào đầu thập niên 1980 nhằm trang bị cho dòng chiến đấu cơ Su-27/30. Hiện nay AL-41 được Nga trang bị cho Su-35, Su-57 và cả Su-75 trong tương lai. 
Động cơ là thành phần tối quan trọng quyết định đến sức mạnh của một máy bay chiến đấu. Trong số các nhà phát triển động cơ phải kể đến hãng Saturn của Nga, hiện động cơ của hãng này đang được trang bị trên máy bay chiến đấu dòng Su của Nga và J của Trung Quốc.
Hãng Saturn hiện đang có hai dòng động cơ nổi tiếng là AL-31 và AL-41. Dòng động cơ AL-31 được phát triển vào thập niên 1980 để trang bị cho chiến đấu cơ Su-27/30/33 của Nga và J-10/11/15/16 của Trung Quốc..
Dòng động cơ AL-41 là biến thể nâng cấp sâu rộng của dòng AL-31 có lực đẩy lớn cùng với ống xả có thể thay đổi ống phụt giúp chiến đấu cơ cơ động.
AL-41 được phát triển với hai biến thể là AL-41F-1S để trang bị cho chiến đấu cơ Su-35 và dòng AL-41F1 để trang bị cho dòng chiến đấu cơ Su-57.
Biến thể AL-41F-1S để trang bị cho chiến đấu cơ Su-35 được phát triển vào năm 2010 với lực đẩy tối đa lên tới 142kN khi được đốt tăng lực.

Biến thể AL-41F1 để trang bị cho dòng chiến đấu cơ Su-57 cũng được phát triển vào năm 2010, chúng có lực đẩy tối đa nhỉnh hơn một chút ở mức 147 kN khi đốt tăng lực.

Dù AL-41F1 được đánh giá là động cơ tốt nhất hiện nay của Nga, nhưng nếu so về lực đẩy chúng vẫn thua kém động cơ Pratt & Whitney F119 trang bị trên F-22 với lực đẩy tối đa 156kN.

Còn nếu so với động cơ Pratt & Whitney F135 trang bị trên chiến đấu cơ F-35 thì AL-41F1 thua kém hơn rất nhiều khi động cơ Mỹ có lực đẩy lên tới 191 kN.

Saturn cũng đang phát triển dòng động cơ mới Izdeliye 30 để trang bị cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở dòng động cơ này là cửa xả khí kiểu răng cưa để tán xạ sóng radar.
Nga đặt mục tiêu động cơ Izdeliye 30 mới phải có lực đẩy tối đa 176 kN nhằm vượt xa động cơ Pratt & Whitney F119 trên tiêm kích F-22 Mỹ.
Trong khi chờ đợi động cơ Izdeliye 30 phát triển thành công thì AL-41 vẫn được coi là giải pháp tạm thời hữu hiệu cho các chiến đấu cơ hàng đầu của Nga.
Động cơ AL-41 có trọng lượng khô1.520kg, chiều dài 4,9m và đường kính lên tới 1280mm.

Một trong những tính năng ưu việt của động cơ này là có hệ thống kiểm soát véc tơ lực đẩy đem lại cho máy bay khả năng thao diễn siêu việt.

Tuy vậy đây cũng là thành phần có tuổi thọ kém nhất và khó bảo trì nhất, chúng chỉ đạt khoảng 500 giờ bay trước khi phải đại tu hoặc thay thế toàn bộ.
Do ứng dụng nhiều thành phần titan trong thiết kế vì vậy giá thành của AL-41 cũng khá đắt đỏ.
Dù là mặt hàng có thể 'hái ra tiền' nhưng Nga vẫn lắc đầu từ chối khi Trung Quốc hỏi mua AL-41, Moscow chỉ đồng ý bán động cơ này kèm chiến đấu cơ Su-35. Trước đó Bắc Kinh đã mua hàng ngàn động cơ AL-31 để trang bị trên chiến đấu cơ J-10/11/15/16.

Trung Quốc hỏi mua động cơ AL-41 để dự phòng cho 24 chiếc Su35 mà nước này đã mua của Nga, tuy vậy có thông tin cho rằng thực ra họ mua AL-41 để trang bị cho chiến đấu cơ tàng hình J-20.

Nga thông báo dự kiến động cơ Izdeliye 30 sẽ được hoàn thiện vào năm 2023 để thay thế AL-41 trên các chiến đấu cơ Su-57.
Nhưng có vẻ mốc thời gian này rất khó đạt được vì đã không ít lần Nga phải dời thời hạn hoàn thiện động cơ mới.
Trong ngắn hạn, ít là khoảng 5 tới 10 năm tới, động cơ AF-41 vẫn sẽ là "cứu cánh" của các dòng chiến đấu cơ chủ lực của Nga trong đó có hai đòng chiến đấu cơ tàng hình là Su-57 và Su-75.