[ẢNH] Đối phương "hoảng hồn" khi Mỹ tiếp nhận số lượng lớn tiêm kích F-16 không người lái

ANTD.VN - Do sở hữu khả năng vận động linh hoạt, tốc độ lớn và tải trọng vũ khí cao, tiêm kích QF-16 sẽ thực sự trở thành cơn ác mộng đối với kẻ địch khi nó vượt ngoài chức năng mục tiêu bay.

Tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Boeing của Mỹ vừa thông báo họ đã bắt đầu chuyển giao các máy bay không người lái QF-16 cho "phi đội mục tiêu" số 82 trực thuộc căn cứ không quân Tyndall.

Đây là bước đi quan trọng, đánh dấu việc căn cứ Tyndall đã khôi phục lại đầy đủ trạng thái hoạt động sau khi phải hứng chịu đợt tấn công của cơn bão lớn hồi tháng trước và gây ra nhiều thiệt hại.

QF-16 chính là biến thể máy bay không người lái được hoán cải từ khung thân những chiếc tiêm kích F-16 Fighting Falcon có người điều khiển bên trong.

Phương án trên được Không quân Mỹ đưa ra nhằm tận dụng số chiến đấu cơ F-16 hết hạn sử dụng đang được bảo quản tại căn cứ Davis Monthan trong khi chưa tìm được khách hàng mua lại chúng.

Các chiến đấu cơ F-16 sẽ trải qua quá trình sửa chữa phục hồi khung thân cũng như động cơ, sau đó tích hợp thêm phần mềm điều khiển đặc biệt giúp nó có thể cất cánh mà không cần phi công.

QF-16 sở hữu khả năng vận động cực kỳ linh hoạt và hệ thống điện tử hàng không tinh vi hơn nhiều so với mục tiêu bay QF-4 (hoán cải từ tiêm kích F-4 loại biên) thế hệ cũ.

QF-16 có thể bay theo chế độ lập trình hoặc hoạt động như một thiết bị bay điều khiển từ xa nhưng vẫn giữ nguyên tính năng bay ở chế độ có người lái và khả năng chiến đấu của F-16.

Phương tiện đặc biệt này có thể bay tự động với vận tốc Mach 2 và thực hiện các màn thao diễn nhào lộn như một chiếc tiêm kích F-16 có phi công điều khiển thực thụ.

Phần mềm của Boeing cho phép QF-16 bay ở chế độ không người lái dưới sự kiểm soát của Hệ thống điều khiển mặt đất là DRGCS, hoặc được điều khiển bằng GRDCS - Hệ thống điều khiển đội hình máy bay không người lái.

Theo tuyên bố công khai, Không quân Mỹ sẽ sử dụng QF-16 để mô phỏng sự uy hiếp trên không của những tiêm kích Nga như MiG-29, Su-27, Su-30… để các lực lượng phòng không và không quân tập bắn hạ.

Tuy nhiên, gần đây Tập đoàn Boeing đã đề xuất đưa dòng bia bay siêu âm này trở thành một thiết bị tác chiến không người lái như mọi UAV tấn công khác.

Phương án trên được đưa ra nhằm tận dụng ưu thế về tốc độ và khả năng hành trình liên tục, tải trọng bom đạn và khả năng tấn công đa dạng của một chiến đấu cơ thế hệ 4.

Việc trong quá trình hoán cải, các kỹ sư không lược bỏ giá treo vũ khí trên thân QF-16 cho thấy chúng có khả năng mang tên lửa hoặc bom như khi còn là tiêm kích F-16.

Viễn cảnh Không quân Mỹ đưa vào biên chế số lượng lớn tiêm kích F-16 phiên bản không người lái chắc chắn sẽ khiến cho các đối thủ của họ phải cảm thấy giật mình.

Đối đầu với QF-16 chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với MQ-9 Reaper, chưa kể đến ưu thế áp đảo về số lượng do Mỹ vẫn đang lưu giữ hàng trăm chiếc cũ F-16 tại "nghĩa địa máy bay" lớn nhất thế giới của mình.