[Ảnh] Điều chưa biết về khu thí nghiệm chất độc sarin ở Australia của giáo phái Ngày tận thế Nhật Bản

ANTD.VN - Không nhiều người biết rằng Aum - giáo phái Ngày tận thế của Nhật Bản đã mua 400.000 ha ở vùng hẻo lánh của Australia để thử nghiệm chất độc thần kinh sarin trên cừu trước khi họ đầu độc 5.500 người đi tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995.

Vào sáng 20-3-1995, các thành viên của giáo phái Chân lý Tối thượng Aum đã rải chất độc thần kinh sarin trên 5 ga tàu ở Tokyo, khi đó là hệ thống tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất thế giới.

Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trong lịch sử Nhật Bản đã khiến 12 người thiệt mạng, 50 người bị thương nghiêm trọng trong tổng số 5.500 người bị đầu độc.

Chỉ vài ngày sau khi nhận được tin tức từ Nhật Bản, chủ khu trang trại Banjawarn Station ở miền Tây Australia liền liên lạc với cảnh sát địa phương, bởi chủ sở hữu khu vực này trước đó chính là nhóm Aum khét tiếng.

Khi những người chủ mới chuyển đến, họ đã phát hiện trong trang trại có một nơi có rất nhiều cừu đã chết. Có điều gì đó hơi bất thường bởi đàn cừu bị chết kiểu hủy diệt chứ không phải là bị bắn.

Một nhóm cảnh sát liên bang đã bay tới Perth và cùng các chuyên gia hóa học đến Banjawarn. Chiến dịch Hải Vương của Cảnh sát Liên bang Australia tại Banjawarn Station năm đó đã thu hái kết quả ngoài mong đợi

Cảnh sát đã điều tra cặn kẽ địa điểm này, phát hiện ra bằng chứng về các thí nghiệm chất độc sarin trên cừu tại đây. Mẫu từ những con vật đã chết sau đó cho kết quả xét nghiệm dương tính với sarin.

Họ cũng tìm thấy thiết bị thí nghiệm và thùng chứa hóa chất trong nhà. Cũng có bằng chứng cho thấy giáo phái lên kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân và đã đào tìm uranium bằng máy xúc.

Banjawarn Station được giáo phái ngày tận thế mua vào năm 1993 với giá 500.000 USD. Đây là vùng chăn thả gia súc hẻo lánh, biệt lập nên cũng là nơi hoàn hảo để làm mọi việc mà không bị theo dõi.

Vào ngày 9-9-1993, một nhóm gồm 25 thành viên giáo phái bao gồm cả thủ lĩnh cao nhất Shoko Asahara đã đến Perth bằng thị thực du lịch được cấp ở Tokyo.

Nhóm du khách tới Banjawarn Stationum mang theo lỉnh kỉnh thiết bị khai thác và hóa chất đựng trong các chai rượu và lọ thủy tinh được đánh dấu là “xà phòng rửa tay”. Việc này ngay lập tức thu hút sự chú ý của Hải quan.

Nhóm công dân Nhật Bản đã phải trả 30.000 USD phí quá cước cho các hành lý như máy đào mương cơ khí, cuốc, máy phát điện xăng dầu, xẻng, mặt nạ phòng độc… 2 thành viên của nhóm còn bị phạt 2.400 USD mỗi người vì mang hàng hóa nguy hiểm lên máy bay

Trong một bài viết trên tạp chí Platypus của Cảnh sát Liên bang Australia, điều tra viên cao cấp Mark Creighton kể lại, khi đó đồng hành cùng nhóm này là 6-7 thiếu nữ Nhật Bản dưới 18 tuổi. Hành vi lạm dụng trẻ em có thể xảy ra, trong khi Banjawarn Station rất cách biệt

Sau đó, phòng thí nghiệm đã được lắp đặt ở trang trại Banjawarn Station với lò hơi, máy nghiền đá và máy phát điện riêng. Chỉ 8 ngày sau, hầu hết cả nhóm bay về Nhật Bản, nhưng 1 tháng sau, thủ lĩnh Shoko Asahara và một số thành viên giáo phái khác không xin được thị thực để trở lại Australia.

Đó là vì Cảnh sát Liên bang Australia đã liên lạc với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản và nhận được thông tin bao gồm cả hồ sơ tội phạm của Shoko Asahara.

Giáo phái Shinrikyo Aum, được Shoko Asahara thành lập tại Tokyo 1984. Ông này cho rằng sắp đến ngày tận thế và chỉ có các thành viên Aum mới sống sót. Cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ giáo phái tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, kể cả giết người

Sau khi bị bắt vì tội tấn công hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, thủ lĩnh Asahara cùng 12 thành viên khác đã bị xử tử vào tháng 7-2018. Aum Shinrikyo được liệt vào danh sách tổ chức khủng bố và hiện vẫn tồn tại dưới cái tên Aleph.

Các vụ tấn công ở Tokyo cùng những phát hiện về sarin tại Banjawarn đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong đấu tranh với tội phạm khủng bố quốc tế của cảnh sát liên bang Australia.