[ẢNH] Diễn biến mới khiến thương vụ S-400 Nga - Thổ sụp đổ vào phút chót?

ANTD.VN - Thông qua quyết định bán tổ hợp phòng thủ tên lửa tối tân Patriot PAC 3 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hy vọng Ankara sẽ chính thức loại bỏ hợp đồng mua S-400 với Nga.

Một trong những hợp đồng mua sắm vũ khí đình đám nhất thời gian qua chính là thương vụ trị giá 2 tỷ USD giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia NATO lại mua sắm tên lửa phòng không Nga là điều bất thường, do hệ thống này chẳng thể nào tích hợp vào mạng lưới phòng không chung.

Nguyên nhân thực tế dẫn tới hành động trên của Ankara xuất phát từ việc họ đã hỏi mua từ Mỹ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC 3 nhưng đã không được chấp thuận.

Hành động quay sang Nga để mua S-400 Triumf của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra một cú sốc lớn với Mỹ và các thành viên khác thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Sau khi cảnh báo về yếu tố kỹ thuật, Washington đã "chơi rắn" bằng cách áp dụng lên Ankara Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (Đạo luật CAATSA).

Dưới hiệu lực của CAATSA, Mỹ đã đóng băng việc bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ các tiêm kích tàng hình F-35A Lighting II, bất chấp việc Ankara là một trong những bên cấp vốn cho dự án.

Bên cạnh đó, Mỹ còn đe đọa sẽ ngừng các chương trình hợp tác quân sự khác, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là vô số vũ khí của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc Mỹ sẽ trở thành "sắt vụn".

Nhưng có vẻ Mỹ không muốn mất một đồng minh quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên sau khi đưa ra "cây gậy" thì họ cũng nhanh chóng chìa ra "củ cà rốt".

Cơ quan hợp tác An ninh và Quốc phòng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa cho biết, họ đã phê duyệt việc bán 80 tên lửa Patriot và 60 tên lửa khác cho Ankara cùng các thiết bị liên quan gồm bộ radar, trạm điều khiển và các bệ phóng... với tổng trị giá 3,5 tỷ USD.

Như vậy với diễn biến trên, nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng S-400 Triumf với Nga là rất cao, vì yêu cầu của họ cuối cùng cũng đã được Hoa Kỳ đáp ứng.

Việc bỏ thêm 2 tỷ USD sau khi đã tốn 3,5 tỷ USD để mua PAC 3 là gánh nặng cực lớn với Ankara, đó là chưa kể những hệ lụy phía sau mà họ phải tiếp nhận.

Nếu chính thức hủy hợp đồng mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vừa có Patriot PAC 3 lại còn được Mỹ bàn giao các tiêm kích tàng hình F-35A sản xuất cho Ankara nhưng vẫn đang nằm trên lãnh thổ nước họ.

Tới lúc này, những nhận xét ban đầu của nhiều chuyên gia quân sự rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ hỏi mua S-400 thực chất chỉ là "đòn gió" nhằm ép Mỹ bán PAC 3 cho họ có vẻ đang trở nên chính xác.

Nếu thực sự như vậy thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thực sự là một nhân vật rất cao tay, khi ép được cả Nga lẫn Mỹ trở thành quân cờ trong tay mình.

Về phía Moskva, lúc này các lãnh đạo công nghiệp quốc phòng Nga chắc hẳn như đang "ngồi trên đống lửa" vì nguy cơ mất một hợp đồng cực lớn đồng thời mở ra cơ hội tiến vào vùng ảnh hưởng của Mỹ là rất cao.