[Ảnh] Cuộc sống thường ngày ở Kashmir, nơi "sóng ngầm" bạo lực chưa dứt

ANTD.VN - Điều gì đang xảy ra ở Kashmir, địa danh được nhắc đến như một “điểm nóng” về bất ổn và bạo lực trong thời gian gần đây? Vốn là một trong những khu vực quân sự hóa nhất thế giới, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ là mảnh đất tiềm ẩn nhiều bất ổn do phức tạp mang tính lịch sử, căng thẳng tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc. Và những động thái gần đây của chính phủ Ấn Độ với hy vọng sẽ kết thúc bạo lực tại vùng đất này đang chứng tỏ đó có thể chỉ là ảo tưởng.

Giờ đang là vụ táo ở Kashmir, nhưng trong những vườn cây lúc lỉu, táo chín nẫu trên cây.

Các khu chợ thiếu sự nhộn nhịp thường thấy bởi hầu hết các cửa hàng chỉ mở cửa vài giờ mỗi sáng. Các con phố trung tâm cũng thưa thớt người qua lại

Tất cả bắt đầu từ ngày 5-8, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ loại bỏ tình trạng bán tự trị của bang Jammu và Kashmir vốn đã được quy định trong Hiến pháp Ấn Độ trong 7 thập niên qua.

Trong 72 ngày tiếp theo, Thung lũng Kashmir và một phần Jammu chịu sự cố mất liên lạc do điện thoại cố định, điện thoại di động và Internet ngừng dịch vụ.

Vốn là một trong những khu vực quân sự hóa nhất thế giới, Thung lũng Kashmir được điều thêm hàng chục nghìn binh sĩ Ấn Độ. Lệnh giới nghiêm được ban hành để làm giảm nguy cơ bạo lực.

Hiện thời dù Ấn Độ đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với Kashmir, nhưng cuộc sống nơi này đã không trở lại bình thường như cũ.

Các vấn đề rắc rối ở Kashmir xuất phát từ yếu tố lịch sử thuộc địa, căng thẳng tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc. Khi Anh trao trả độc lập cho vùng thuộc địa này năm 1947, nhà lãnh đạo của Jammu và Kashmir muốn tìm độc lập riêng thay vì chọn sáp nhập vào Pakistan hay Ấn Độ

Sau nhiều vụ đụng độ, ngày nay, cả 2 quốc gia vũ trang hạt nhân đều tuyên bố chủ quyền ở Kashmir, với Ấn Độ kiểm soát khoảng một nửa đất đai, Pakistan kiểm soát gần 1/3 và Trung Quốc phần còn lại.

Trong 3 thập niên qua, Pakistan đã tài trợ cho quân nổi dậy ở Kashmir, nơi Chính phủ Ấn Độ đã đáp trả bằng biện pháp cứng rắn

Sau tuyên bố của Thủ tướng Modi hôm 5-8, làn sóng tức giận và phẫn nộ sôi sục tại Kashmir. Gần 4.000 người, bao gồm các chính trị gia, sinh viên đã bị bắt

Vào ngày 24-9, Liên đoàn Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ nhấn mạnh 13.000 bé trai tại đây đã bị bắt giam, một số bị giữ tối đa 45 ngày.

Đến ngày 14-10, Ấn Độ khôi phục dịch vụ điện thoại di động ở Kashmir (Internet vẫn bị hạn chế), sau gần 2 tuần triển khai các biện pháp tăng cường an ninh theo sau quyết định hạn chế quyền tự trị của khu vực có đa số dân là tín đồ Hồi giáo này

Nhưng bạo lực tăng lên khi ngày 16-10-2019, 5 người, trong đó có 2 dân thường đã thiệt mạng. 4 ngày sau, pháo kích ở cả hai phía đã dẫn đến cái chết của ít nhất 9 binh sĩ và thường dân.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Kashmir ước tính, việc đóng cửa do làn sóng bạo lực mới đã khiến khu vực này thâm hụt hơn 1,4 tỷ USD. Mặc dù hiện tại khách du lịch đã được cho phép, nhưng tình hình an ninh bấp bênh khiến ngành du lịch và thủ công mỹ nghệ khó có thể phục hồi nhanh.

Nhiều trường học vẫn chưa hoạt động trở lại. “Chúng tôi bất lực. Tôi muốn đi dạy nhưng không thể. Đối với một số người, đến trường nghĩa là cảm thấy tội lỗi vì họ vẫn oán giận”, một giáo viên 46 tuổi nói

Và vụ táo trị giá 1,5 tỷ USD của Kashmir, là nguồn thu nhập của hơn 3 triệu người đã bị ảnh hưởng do mất điện và các hoạt động buôn bán ngưng trệ

Đối với các nhà báo, việc tác nghiệp đặc biệt khó khăn. Chính phủ thành lập một trung tâm hỗ trợ truyền thông mở cửa vài tiếng mỗi ngày. Nhưng hơn 100 nhà báo mà chỉ có thể dùng 1 điện thoại di động và 3 máy tính.

Hầu hết người Kashmir không trở lại công việc như thường lệ, vì quá sợ bạo lực hoặc quyết tâm không tuân theo New Delhi. Họ đều có chung sự sợ hãi, tổn thương và tức giận

Kashmir đã trở thành mảnh đất của khủng bố trong hơn 30 năm qua và những động thái gần đây của chính phủ Ấn Độ với hy vọng sẽ kết thúc bạo lực tại vùng đất này chứng tỏ đó có thể chỉ là ảo tưởng