[ẢNH] Cuộc chiến Syria, máu và nước mắt người dân trong sự hoang tàn, đổ nát

ANTD.VN - Cuộc chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 6, với hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người mất nhà cửa. Khủng bố IS đang có dấu hiệu lụi tàn, nhưng viễn cảnh hòa bình vẫn rất xa vời với quốc gia Trung Đông này.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ còn chiếm chưa đầy 5% lãnh thổ, thời của IS đã đến hồi kết, nhưng viễn cảnh hòa bình cho Syria vẫn rất xa vời. Hiện tại chỉ có máu và nước mắt của người dân đổ xuống trong hoàn cảnh đất nước bị hoang tàn đổ nát.

Sau khi Libya sụp đổ, Phong trào dân chủ hay còn "Mùa xuân Ả Rập" tràn qua, các quét các nước trong khu vực như một cơn lốc mạnh mẽ. Từ ôn hòa phong trào này nhanh chóng biến thành bạo lực tràn lan. Các phe phái bất đồng chính kiến nhân cơ hội nổi dậy chống chính phủ.

Từ những cuộc nổi dậy nhỏ lẻ, sự can thiệp từ bên ngoài đã biến nơi đây thành cuộc nội chiến đẫm máu.
Ngay khi xung đột nổ ra trên diện rộng, lực lượng quân đội tự cho Syria (FSA) nổi lên như một thế lực mạnh mẽ chống lại chính phủ của tổng thống Assad.
FSA nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước vốn luôn có những mối bất hòa với tổng thống Assad.

Lực lượng này nhanh chóng chiếm được một số thành phố và thị trấn phía bắc Syria, tạo được thế đối trọng đáng gờm với tổng thống Assad.

Không những vậy, cuộc nội chiến giữa các phe phái tại Syria đã dẫn đến kết cục suy yếu chung, tạo tiền đề cho khủng bố IS đổ bộ vào lãnh thổ nước này.

Ngay khi đặt chân đến Syria, bằng chính sách tàn bạo, IS nhanh chóng chiếm được các vùng lãnh thổ rộng lớn với trung tâm là thành phố Raqqa.

Lúc này buộc chính phủ của tổng thống Syria phải kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Hưởng ứng lời kêu gọi trực tiếp từ tổng thống Assad, Nga đã cho triển khai lực lượng không quân đến để tiêu diệt khủng bố IS.

Dưới đòn không kích mạnh mẽ của không quân Nga, sự bành trướng của IS đã bước đầu bị chặn lại.

Tuy nhiên phe phái xung đột tại đây không có dấu hiệu giảm. Mỹ lúc này cũng đã bước chân vào chiến trường Syria trong vai trò lực lượng quốc tế chống khủng bố IS.

Tuy cùng đánh khủng bố IS, nhưng Nga và Mỹ lại có những bước đi khác nhau. Nga giúp đỡ quân chính phủ Syria (SAA), trong khi Mỹ giúp các lực lượng đối lập.

Sau thời gian dài giúp cho lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) không đạt hiệu quả như mong muốn, vì nhóm vũ trang này với thành phần tham gia khá phức tạp, hơn nữa trong nhóm lại có nhiều phần tử hồi giáo quá khích, vì thế cuối năm 2016, Mỹ tuyên bố ngưng hỗ trợ lực lượng này.

Sau đó họ thành lập một lực lượng mới lấy tên Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nhằm đối trọng với SAA đang được Nga đỡ đầu.

Tỷ lệ thuận với việc IS có dấu hiệu suy yếu, thì nội chiến tại Syria lại thêm căng thẳng. Nga và Mỹ cáo buộc tấn công vào đồng minh của nhau tại Syria.

Các bên cũng không ngớt tố cáo nhau không kích cả vào dân thường. Khung cảnh hoang tàn đổ nát hiện diện khắp nơi trên đất Syria.

Ngày 21-8-2013, hàng trăm người bị ngạt thở, co giật, sùi bọt mép… ở vùng ngoại ô thủ đô Damascus do quân nổi dậy kiểm soát. Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc xác định, khí độc sarin đã được nạp vào đầu đạn những quả tên lửa đất đối đất bắn vào khu vực dân sự trong khi người dân đang ngủ. Tuy nhiên cả quân chính phủ và lực lượng đối lập đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ tấn công này.

Sử dụng vũ khí hóa học được coi là tội ác chống lại dân thường vô tội. Để tỏ thiện chí, chính phủ Syria đã đồng ý để cho Liên Hiệp Quốc giải giáp kho vũ khí hóa học của mình. Tuy nhiên họ vẫn bác bỏ cáo buộc dùng vũ khí hóa học.
Ngay cả các điều tra viên Liên Hiệp Quốc cũng không thể chỉ ra ai là thủ phạm trong các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Mới đây nhất Mỹ cũng đã thừa nhận ngay cả phiến quân khủng bố cũng đã sử dụng vũ khí hóa học chứ không phải chỉ riêng chính phủ Syria. Trước đây Mỹ một mực cáo buộc các cuộc tấn công vũ khí hóa học đầu do chính phủ Syria.

Hình ảnh các em bé vô tội bị giết chết trong các cuộc tấn công hóa học.

Ánh mắt hồn nhiên của em bé Syria. Cuộc chiến tại đây đã cướp đi tuổi thơ êm đềm của những trẻ thơ vô tội như thế này.

Từ khi cuộc nội chiến xảy ra, ước tính đã có hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa phải chạy đi tị nạn, thiệt hại về kinh tế không thể đếm xuể.

Ngày tàn của khủng bố IS ngày càng lộ rõ, tuy nhiên máu và nước mắt của người dân Syria vẫn đổ ra khi các bên đang tranh thủ giành ảnh hưởng, tài nguyên và các vùng kiểm soát.

Viễn cảnh về hòa bình cho Syria vẫn còn rất xa vời.