[ẢNH] Cơ hội vàng để sở hữu siêu tăng T-14 Armata trước cả Quân đội Nga

ANTD.VN - Khi không còn ưu tiên trang bị trước cho quân đội Nga như nhiều vũ khí khác thì điều đó đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia đang đứng trước cơ hội sớm sở hữu xe tăng T-14 Armata.

Mới đây Phó thủ tướng Nga phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng - ông Yuri Borisov đã cung cấp một thông tin đầy bất ngờ tới báo giới.

Đó là Moskva chưa có kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-14 Armata để trang bị cho quân đội nước này.

Lý do được ông Borisov đưa ra xoay quanh hai ý chính. Thứ nhất, giá thành của xe tăng Armata quá đắt đỏ.

Thứ hai, các dòng MBT đời cũ như T-72, T-80 và T-90 vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chiến tranh hiện đại, cho nên việc chế tạo Armata vào thời điểm này là chưa cần thiết.

Ngoài hai nguyên nhân trên, có thể nhận định rằng còn một lý do thứ ba nhưng chưa được nhắc tới đó là công việc hoàn thiện siêu vũ khí này vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Từ trước tới nay, đa phần những siêu vũ khí thế hệ mới chỉ được bán ra ngoài sau khi nhà sản xuất đã cung cấp tương đối đầy đủ cho quân đội Nga.

Có thể kể ra đây vài ví dụ tiêu biểu như hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf hay tiêm kích đa năng Su-35S.

Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ đi ngược nguyên tắc trên, đó là với các vũ khí chưa thực sự hoàn thiện, hoặc vì thiếu kinh phí nên chưa thể chế tạo trên quy mô lớn.

Điển hình chính là tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P, hay mới đây nhất là hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-SM.

Hành động bán vũ khí trong trường hợp này sẽ mang lại cho Nga hai lợi ích, đầu tiên là "nhờ" đối tác kiểm tra tính năng giúp để từ đó căn chỉnh lại dễ dàng hơn.

 Và thông qua các hợp đồng xuất khẩu, khoản tiền thu về sẽ được tái đầu tư để sản xuất phương tiện đó cho chính quân đội Nga.

Quay trở lại trường hợp của xe tăng T-14 Armata, siêu vũ khí này hội đủ cả hai điều kiện đã nêu trên ở trên.

Cho nên khi hiện tại Nga chưa có ý định sản xuất hàng loạt thì có thể xem như một cơ hội hiếm gặp để quốc gia khác chớp thời cơ sớm đưa phương tiện tác chiến đặc biệt này vào biên chế.

Trong số các ứng viên đã được Nga cho vào danh sách quan tâm tới T-14 Armata có thể kể ra đây vài cái tên triển vọng bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Algeria... và cả Việt Nam.

Nếu một trong những đối tác nêu trên muốn được mua xe tăng T-14 Armata trong tương lai không xa thì rất nhiều khả năng họ sẽ nhận được cái gật đầu từ người Nga.

Tuy nhiên đi kèm với đó là rủi ro chẳng hề nhỏ vì trước mắt các kỹ sư quân sự Nga vẫn còn quá nhiều công việc dở dang để có thể hoàn thiện phương tiện chiến đấu này.

Đối với trường hợp cụ thể của Việt Nam, chúng ta có lẽ không nên tham gia vào cuộc đua tranh giành vị trí nước đầu tiên sở hữu món "hàng hiệu" cao cấp kia mặc dù cơ hội là có.

Việt Nam nên kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thật phù hợp, nhất là khi nhu cầu chưa thực sự đến mức cấp thiết.