[ẢNH] Chuyện lạ: NATO chuyển pháo tự hành hạng nặng Liên Xô cho Ukraine

ANTD.VN - Ba Lan, thành viên trong khối NATO vừa chuyển giao một số pháo tự hành hạng nặng 2S1 Gvozdika của Liên Xô cho Ukraine, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho Kiev.

2S1 Gvozdika, một trong những loại pháo tự hành nổi tiếng của Liên Xô được sản xuất vào giữa thập niên 1960 và biên chế vào đầu thập niên 1970. Đây là loại pháo tự hành hạng nặng với cỡ nòng 122mm.

Từng là cường quốc quân sự mạnh thứ 3 thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng nay Ukraine lại đang phải nhận về những vũ khí mà trước đây họ từng vứt bỏ. Hình ảnh pháo tự hành 2S1 của Ba Lan đang được chuyển về Ukraine.

Được thừa hưởng kho vũ khí khổng lồ từ Liên Xô, nhưng Kiev đã bán bớt hoặc để không trong các nhà kho dẫn tới hàng chục ngàn pháo tự hành và xe tăng bị hư hỏng.

Cuộc chiến tại miền Đông Ukraine bùng phát và những xung đột tiềm tàng với Nga đã khiến Ukraine nhận ra họ phải nâng cao sức mạnh quân sự.

Đáng tiếc đến lúc này kho vũ khí của họ đã bị vơi đi hơn 3/4, trong bối cảnh này Kiev lại hướng về NATO để xin nguồn cung cấp vũ khí.

Một số thành viên NATO vốn là các nước trong khối XHCN trước đây đang dùng rất nhiều vũ khí có nguồn gốc Liên Xô, vì vậy họ đã chuyển giao những loại vũ khí này cho Ukraine để tăng cường sức mạnh quân sự và pháo tự hành 2S1 là một trong số đó.

2S1 Gvozdika (Hoa cẩm chướng) là một loại pháo tự hành của Liên Xô dựa trên cơ sở xe tăng hạng nhẹ PT-76.

Sức mạnh của 2S1 chính là khẩu pháo cỡ nòng 122mm, một số quốc gia còn lắm thêm một khẩu súng máy để tiêu diệt bộ binh hoặc máy bay tầm thấp.

Thật ra khung gầm của 2S1 lại là xe bọc thép chở quân MT-LB, chỉ có kết cấu thiết kế của 2S1 dựa trên xe bọc thép PT-76 mà thôi.

Phiên bản 2S1 đầu tiên ra đời năm 1969 và được trang bị tại Liên Xô năm 1970

Ba Lan là quốc gia đầu tiên ngoài Liên Xô được biên chế loại pháo này vào năm 1974.

Chính điều này đã khiến quân đội Mỹ và NATO định danh cho loại pháo này là M1974 khi họ phát hiện ra nó vào chính năm mà Ba Lan sở hữu.

Sau Ba Lan, pháo tự hành 2S1 được sử dụng rộng rãi trong khối XHCN và hàng chục quốc gia khác.

Điều đặc biệt là pháo tự hành 2S1 cũng có thể lội nước với tốc độ 4,5 km/h.

2S1 có nhiệm vụ tiêu diệt và chế áp lực lượng cơ động, các hỏa điểm của bộ binh, phá hủy các loại công sự dã chiến, vượt qua các bãi mìn, các chướng ngại vật (hàng rào thép gai).

Sự cơ động cao cũng khiến 2S1 cũng thường được dùng để đấu lại các loại pháo, súng cối và phương tiện bọc thép của đối phương.

Pháo nòng xoắn D32 122mm kết hợp hệ thống nạp đạn phụ trợ có thể bắn 4-5 viên/phút.

Vì pháo D32 cải tiến dựa trên pháo xe kéo D30 122mm nên nó dùng hầu hết các loại đạn của D30 (đạn nổ phân mảnh, đạn chống tăng, đạn chùm, đạn khói, đạn chiếu sáng).

Điều này giúp tiết kiệm, dễ dàng hơn cho việc cung cấp đạn dược.

Lượng đạn dự trữ trên xe khoảng 40 viên, thường gồm 35 viên đạn nổ phân mảnh (tầm bắn 15km) và 5 viên chống tăng.

Pháo tự hành 2S1 được điều khiển bởi tổ lái 4 người (trưởng xe, lái xe, pháo thủ, nạp đạn).

Cửa ra vào được đặt ở phần đuôi xe giữ an toàn cho kíp chiến đấu.

Toàn bộ thân xe và tháp pháo bọc giáp thường giúp chống đạn súng cỡ 7,62 hoặc 12,7mm, mảnh đạn pháo.

Xe được trang bị động cơ diesel YaMZ-238V 240 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 60km/h.

Hiện loại pháo này đang tham chiến tích cực tại chiến trường Syria và được sử dụng bởi tất cả các lực lượng chính tham chiến tại đây.

Tuy ra đời đã lâu, nhưng thực chiến hiện tại cho thấy 2S1 vẫn là loại vũ khí cực nguy hiểm trong cuộc chiến với các nhóm phiến quân đối lập. Được tăng viện 2S1 sẽ giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với nhóm dân quân tại miền Đông nước này.