[ẢNH] Chuyên gia Nga lý giải vì sao S-300 Syria bất lực ngay cả trước tiêm kích "không tàng hình" Israel

ANTD.VN - Thực tế chiến trường Syria cho thấy không quân Israel chưa cần dùng đến tiêm kích tàng hình F-35I Adir vẫn dễ dàng qua mặt tổ hợp phòng không S-300 tối tân, nguyên nhân là do đâu?

Đầu tháng này, không quân Israel (IAF) đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, những vị trí bị oanh kích nằm cách Masyaf - nơi triển khai các tổ hợp S-300 chỉ vài chục km.

Điều đáng nói ở đây chính là các vụ đánh phá được IAF thực hiện ngay sau khi có bằng chứng cho thấy S-300 Syria đã trực chiến đầy đủ, thế nhưng họ vẫn dễ dàng đánh bại phòng không đối phương.

Vấn đề nữa cần lưu ý đó là khi tiêm kích Israel tiến hành đánh phá, tất cả các loại radar từ cảnh giới đến hỏa lực của S-300 đều không nhận thấy có tín hiệu hoạt động.

Thực tế trên gây ra rất nhiều thắc mắc trong đó chủ yếu tập trung vào câu hỏi tại sao S-300 Syria lại không thể nhìn thấy các mục tiêu "không tàng hình" đang bay tới từ cự ly rất xa.

Nếu cho rằng S-300 Syria bỏ qua không đánh chặn tên lửa hành trình Israel vì đây là mục tiêu giá trị nhỏ, sẽ tốt hơn khi để cho Pantsir-S1 tiêu diệt thì tại sao tốp F-16 từ cự ly xa vẫn an toàn?

Mặc dù F-16I Sufa của IAF phóng tên lửa hành trình từ không phận Lebanon nhưng khoảng cách từ đó tới mục tiêu chỉ hơn 100 km, trong khi S-300 Syria được tích hợp đạn 48N6E3 tầm xa 250 km, tức là thừa khả năng hạ gục chiến đấu cơ Israel.

Nhằm giải thích thắc mắc, trang Reporter của Nga đã có bài phỏng vấn chuyên gia quân sự hàng đầu của nước này là ông Alexey Leonkov.

Theo vị chuyên gia quân sự đầu ngành của Nga thì việc tổ hợp phòng không S-300PM Syria bất lực trước đòn tấn công của tiêm kích thế hệ 4 Israel có hai nguyên nhân cơ bản sau đây.

Vấn đề đầu tiên chính là do yếu tố "độ cong của trái đất" khiến S-300 không thể khắc chế máy bay Israel, bởi vì hệ thống phòng không Syria đặt ở địa hình đồi núi.

"Các ăng ten radar không thể nhìn ở phía dưới. Ngay cả ở mặt đất, hệ thống không thể nhìn thấy ở mục tiêu dưới 5 - 10 m. Do vậy nếu ăng ten được đặt trên một ngọn núi thì 5 - 10 m này cũng phải cộng thêm chiều cao của ngọn núi. Như vậy cái gọi là hình nón tàng hình đã được hình thành".

Theo chuyên gia Leonkov, lý do trên cho tiêm kích Israel có thể ẩn nấp ở độ cao thấp và tấn công bằng tên lửa không đối đất, chiến thuật này đã vô hiệu hóa toàn bộ radar cảnh giới cũng như điều khiển hỏa lực của S-300 Syria.

Lý do thứ hai được chuyên gia Leonkov chỉ ra đó chính là kíp vận hành người Syria được "huấn luyện kém", họ không đạt trình độ như kíp trắc thủ Nga, khiến cho khí tài không phát huy được hiệu quả lớn nhất.

Vấn đề các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại bất lực trước chiến thuật bay thấp của tiêm kích cho dù được quảng cáo là đủ khả năng che phủ mọi độ cao đã được chuyên gia quân sự Oleg Kuptsov đề cập trước đó.

Ông Oleg Kuptsov cho rằng phía phòng thủ thường đổ lỗi radar cảnh giới không thể nhìn thấy mục tiêu bay thấp xâm nhập trận địa, nhưng họ quên đấy lại là phương án tác chiến chủ chốt khi lên kế hoạch tấn công.

Khi không thể đưa ra phương án đối phó hiệu quả với chiến thuật xâm nhập tầm thấp của máy bay đối phương thì mọi lời quảng cáo về tính năng "độc nhất vô nhị" đều trở nên khoác lác.

Nếu không quân Israel sử dụng đến tiêm kích tàng hình F-35I Adir cho chiến thuật này thì phòng không Syria chưa thể đối phó khi hiện tại họ còn bất lực trong việc ngăn chặn chiến đấu cơ F-15/16 cũ hơn.