[ẢNH] Cảnh giác phòng, tránh lừa đảo qua giao dịch điện tử giai đoạn cận Tết Nguyên đán

ANTD.VN - Khoảng thời gian cận Tết luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây là cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại cho nhiều khách hàng và ngân hàng. Dưới đây là những cảnh báo và phương pháp phòng tránh lừa đảo qua giao dịch điện tử trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giúp khách hàng chủ động nắm bắt để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân của mình.
Bất chấp việc các ngân hàng thường xuyên cảnh báo về  lừa đảo giao dịch điện tử (Cyber Phishing), song các đối tượng lừa đảo (Phisher) liên tục thay đổi hình thức tinh vi khiến nhiều khách hàng vẫn "dính bẫy", trở thành nạn nhân

Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao có khả năng cài đặt số điện thoại "ảo", khiến cho điện thoại của nạn nhân hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Người dân tra lại số đúng với thực tế, nên tin đây là cuộc gọi thực sự từ các cơ quan chức năng, và cung cấp mật khẩu, OTP cho kẻ lừa đảo

Một số kẻ gian thậm chí lập số điện thoại gần giống số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản 

Theo thông tin từ ngân hàng Techcombank, các bước lừa đảo phổ phiến hiện nay như:

Bước 1- Thu thập thông tin cá nhân của khách hàng: Bằng nhiều hình thức khác nhau, kẻ gian thực hiện thu thập những thông tin liên quan đến khách hàng như tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh hay số thẻ, số CVV, lịch sử giao dịch,...
 

Nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch, số tài khoản của mình lên trên Facebook

Bước 2- Lừa đảo khách hàng: Sau khi đã có một số thông tin cơ bản, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng bằng một số thủ đoạn vô cùng tinh vi, bao gồm cả mạo danh cán bộ công an, toà án, ngân hàng... để doạ dẫm bị hại (Cơ quan chức năng đã có khuyến cáo rõ ràng: Không làm việc với người dân, khách hàng qua điện thoại. Nếu thực sự cần làm việc, người dân sẽ nhận được giấy mời lên trụ sở cơ quan nhà nước để làm việc trực tiếp)             

Đối tượng lừa đảo có thể thực hiện hành vi lấy cắp thông tin bằng cách lừa mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Sau đó, đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin 

Khi đó, khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP) 

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo có thể mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Chúng lập website, fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Khi khách hàng đăng nhập, các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ bị đánh cắp

Đối tượng lừa đảo còn tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập,... để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen

Bước 3- Kẻ gian chiếm đoạt tiền: Khi đã có các thông tin bảo mật do khách hàng cung cấp, kẻ gian chiếm đoạt tài khoản và lập tức rút hết tiền trong tài khoản             

Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân khi tham gia giao dịch mua sắm trực tuyến, khách hàng cần lưu ý những điều sau: 

Khách hàng nên tuyệt đối giữ bí mật các thông tin bảo mật ngân hàng điện tử E-Banking, bao gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã OTP  
Bên cạnh đó, khách hàng nên cập nhật hệ điều hành và phần mềm F@st Mobile phiên bản mới nhất, đồng thời thực hiện giao dịch điện tử trên các website mua bán hàng hóa chính thức, có độ bảo mật cao             
Nên xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền             
Sau khi thực hiện giao dịch, nên đăng xuất khỏi tài khoản E-Banking ngay lập tức             
Đối với các thông tin bảo mật E-Banking như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP và nội dung các tin nhắn thông báo từ ngân hàng, khách hàng tuyệt đối không nên cung cấp, chia sẻ cho bất cứ ai, kể cả những người tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng...             
Chúng ta không nên cài đặt các phần mềm Crack, can thiệp vào thiết bị, hệ điều hành nhằm hạn chế những rủi ro và rò rỉ thông tin cá nhân            
              Khi bắt gặp những trang mạng không rõ nguồn gốc hay đường link lạ, bạn tuyệt đối không nhập mật khẩu đăng nhập hay mã OTP
Bên cạnh đó, khách hàng tuyệt đối không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng, tiềm ẩn rủi ro cao hay lưu thông tin tự động đăng nhập Ngân hàng điện tử tại bất cứ đâu          
Đặc biệt, chúng ta không được cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, vì sẽ tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo            

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo đối với giao dịch ngân hàng, khách hàng hãy tạm thời khóa hoặc đổi mật khẩu dịch vụ và liên hệ ngay với trung tâm hỗ trợ khách hàng của ngân hàng để được tư vấn và giúp đỡ