[ẢNH] "Bỏ túi" những bài thuốc hay từ cây hoa gạo

ANTD.VN - Tháng 3 "gõ cửa" cũng là lúc những cây gạo trút lá, đơm hoa đỏ rực như hàng nghìn đốm lửa lưng trời, tạo nên cảnh sắc ấn tưởng in dấu trong ký ức của nhiều người, đặc biệt là những người sinh sống ở vùng thôn quê Bắc Bộ. Không chỉ "đổ bóng mát" trong hoài niệm của bao thế hệ người Việt Nam, cây gạo còn được người xưa sử dụng như một phương thuốc hiệu quả trong việc điều trị ho, sốt, chân thương...
Cây gạo còn có tên gọi khác là cây mộc miên, cây hồng miên, anh hùng thụ, cây Pơ-lăng... Cây được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ sau đó phát tán rộng tới Malaysia, phía nam Trung Quốc và đến Việt Nam. Ở nước ta, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc Việt Nam (Ảnh: Zing)           

Theo Đông y, vỏ cây gạo có vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu phù, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như chấn thương bong gân, gãy xương, viêm đau khớp, viêm loét dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ...             

Rễ cây gạo có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết (giải nhiệt và thấp trong cơ thể, cầm máu, băng se vết thương), thường được dùng để chữa viêm loét dạ dày, kiết lỵ phân có máu, lao hạch, sưng vú sau khi sinh con...

Hoa gạo vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải độc chỉ huyết, thường dùng để trị kiết lỵ, băng huyết, sang độc (viêm loét, nhọt độc), xuất huyết do chấn thương... (Ảnh: VOV)

Có thể thấy, hầu như tất cả các bộ phận của cây gạo từ vỏ cây, rễ cây, hoa, nhựa, hạt đều có thể sử dụng làm thuốc. Vì vậy, người Việt xưa đã thu hái và chế biến các bộ phận của cây gạo để sáng tạo nên nhiều bài thuốc dân gian hay, độc đáo (Ảnh: Zing)

Bài thuốc giúp lưu thông khí huyết, bổ máu: Hoa gạo khô 15 – 20g đun với 1 lít nước uống hàng ngày

Giảm sốt: 6g hoa gạo, thêm chút đường phèn sắc uống, chia uống vài lần trong ngày để đạt hiệu quả giảm sốt

Chữa rối loạn tiêu hóa do ăn đồ sống lạnh: Hoa gạo 30g, rửa sạch đổ 550ml nước đun nhỏ lửa, sắc kỹ còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày 

Chữa viêm loét dạ dày: Có thể lấy rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 15-30g, sắc uống

Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân cây gạo 100g, củ nghệ vàng già 100g. Vỏ gạo cạo vỏ, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, sao cùng với giấm thanh và rượu. Dùng hỗn hợp trên để chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng

Giảm đau nhức xương khớp, đau cơ: Vỏ thân cây gạo tươi 50g, cạo sạch vỏ, thái mỏng, giã nát, thêm giấm thanh, trộn đều rồi băng đắp vào chỗ đau (Ảnh: Zing)

Chữa bong gân nhẹ: Vỏ cây gạo (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g sao vàng, sắc với 750 ml nước, đun nhỏ lửa còn 250 ml, chia uống 2 lần/ngày, uống liền 3 ngày 

Chữa ho có đờm do phế nhiệt (người bị phế nhiệt là những người đang mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản...): Hoa gạo 15g, rau diếp cá 15g, tang bạch bì (vỏ rễ dâu) 10g sắc với 750ml nước, đun nhỏ lửa còn 250ml, chia uống 2 lần/ngày, dùng liền 5 ngày

Chữa mụn nhọt sưng tấy: Lấy hoa gạo tươi, giã nát đắp vào nơi có mụn nhọt đang sưng tấy. Đắp 1 - 2 lần/ ngày sẽ hết đau nhức, hiệu quả nhanh chóng. Ngoài ra, dùng hỗn hợp hoa gạo giã nát đắp mặt hằng ngày sẽ có tác dụng dưỡng da hiệu quả

Chữa đau răng: Vỏ thân cây gạo 20g sao vàng, sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày

Phụ nữ sau sinh thiếu sữa: Hạt gạo khô 10g – 12g sắc nước uống hàng ngày sẽ giúp lợi sữa trở lại

Nam giới liệt dương, yếu sinh lý: 1kg rễ gạo khô ngâm với 3 lít rượu, ngâm trong 1 tháng là dùng được. Mỗi ngày dùng 2-3 ly nhỏ

Mặc dù việc sử dụng các bộ phận của cây gạo làm thuốc rất tốt nhưng các chuyên gia đông y khuyến cáo, trước khi sử dụng mọi người nên có tư vấn của các bác sỹ để có liều lượng phù hợp với thể trạng của bản thân